Bà bầu bị thủy đậu có nguy hiểm không?
Bệnh thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm do virus Chickenpox hoặc Varicella gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bà bầu cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu nếu tiếp xúc với mầm bệnh trong thời kỳ mang thai.
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Kim Nga, Trưởng khoa Sản bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, cho biết mức độ nguy hiểm của bệnh thủy đậu khi mang thai tùy thuộc vào từng giai đoạn của thai kỳ.
Theo đó, bà bầu bị thủy đậu trong giai đoạn từ tuần thứ 8 – 12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%. Biểu hiện thường gặp là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể thấy là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần.
Sau tuần thứ 20 của thai kỳ, bà bầu bị thủy đậu sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi. Trường hợp bà bậu bị thủy đậu trong khoảng thời gian 5 ngày trước khi sinh và 2 ngày sau sinh, trẻ sơ sinh rất dễ bị thủy đậu lan tỏa. Tỉ lệ tử vong ở trẻ lúc này chiếm đến 25 – 30%.
Bà bầu cần làm gì khi bị thủy đậu?
Khi bà bầu bị thủy đậu, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Nga khuyên chị em nên dành thời gian nghỉ ngơi, uống nhiều nước. Chế độ dinh dưỡng nên ưu tiên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Việc giữu gìn vệ sinh thân thể thời gian này cần hết sức cẩn trọng. Chị em nên chú ý không làm vỡ những bóng nước thủy đậu vì nguy cơ nhiễm trùng do bội nhiễm tăng cao. Cơ thể bị sốt, chị em có thể dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Nga cũng lưu ý trường hợp bà bầu nhiễm thủy đậu diễn tiến nặng phải nhập viện điều trị để giảm nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi.
Để phòng ngừa bệnh thủy đậu trong thời kỳ mang thai, bác sĩ Nga khuyên chị em nên tiêm chủng ngừa bệnh thủy đậu trong khoảng thời gian ít nhất là 3 tháng trước khi quyết định có con. Chú ý giữ gìn về sinh môi trường sống và vệ sinh cơ thể thật tốt. Đặc biệt, bà bầu không nên tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu để tránh nguy cơ lây bệnh.