Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bữa sáng đóng vai trò rất quan trọng, chiếm 30-40% tổng năng lượng cơ thể cần nạp vào trong ngày. Tuy nhiên, nhiều gia đình Việt vẫn mắc phải những sai lầm trong chế biến bữa sáng, khiến bữa ăn tưởng chừng bổ dưỡng này vô tình gây hại cho sức khỏe.

Hâm lại thức ăn thừa đã để qua đêm

"Các món ăn thừa khi đun nấu lại sẽ mất đi lượng lớn dinh dưỡng. Ngoài ra, nếu không được bảo quản tốt, thức ăn để qua đêm có nguy cơ nhiễm vi sinh vật, nấm mốc. Khi ăn vào, dễ gây ngộ độc với các triệu chứng như đau bụng, nôn, đi ngoài và khó tiêu", bác sĩ Hưng cảnh báo.

Ông lấy ví dụ, các món cá hoặc thịt rán khi làm nóng lại thường bị khô, hao hụt dinh dưỡng và ngấm thêm dầu mỡ, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Cơm trắng tuy không bị ôi thiu nhưng cũng mất đi độ thơm ngon và chất lượng.

Đặc biệt, các món canh, sốt hoặc xào chế biến cùng rau xanh là nhóm thực phẩm không nên để qua đêm, vì dễ sản sinh độc tố gây hại cho cơ thể.

Tuy nhiên, một số món ăn nếu được bảo quản kỹ lưỡng trong tủ lạnh vẫn có thể tái sử dụng. Ví dụ, cá kho, thịt kho, hoặc thịt đông là những món ăn ít bị thay đổi chất lượng dinh dưỡng và an toàn hơn khi hâm nóng lại.

Bữa sáng rất quan trọng, chiếm 30-40% tổng năng lượng cơ thể cần nạp vào trong ngày. Ảnh: Warriordining.

Chuẩn bị bữa sáng từ tối hôm trước

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, nhiều gia đình có thói quen nấu sẵn thức ăn từ tối hôm trước để sáng hôm sau dùng. Tuy nhiên, nếu bảo quản không đúng cách, thức ăn dễ bị vi sinh vật phát triển, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

"Thức ăn để qua đêm cũng gây hao hụt dinh dưỡng, làm giảm giá trị của bữa ăn sáng," bác sĩ Hưng cho hay.

Ông khuyến cáo, nếu muốn bảo quản thức ăn quá 5 tiếng, cần giữ thực phẩm ở nhiệt độ nóng liên tục trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C. Các món ăn đã nấu chín cần được đun kỹ lại trước khi dùng. Việc chỉ hâm nóng sơ đến khi thức ăn vừa bốc hơi là không đủ để tiêu diệt độc tố và vi khuẩn.

Để đảm bảo sức khỏe, mọi người nên hạn chế chế biến sẵn thực phẩm và bảo quản qua đêm. Trong trường hợp thời gian buổi sáng eo hẹp, bạn không cần thiết phải nấu đủ cơm, canh, thịt, cá mà có thể thay đổi bằng các món như bún, phở, bánh mì sốt vang hoặc xôi. Khi chế biến, nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu dưỡng chất như thịt, trứng, cá, rau sống, dưa chuột để bữa sáng đa dạng hơn.

Bác sĩ Hưng gợi ý, những món như thịt rang, thịt xào, trứng rán là lựa chọn nấu nhanh, dễ ăn, và đủ chất dinh dưỡng.

Đối với trẻ nhỏ và người cao tuổi, nên ưu tiên các món ăn mềm, dễ tiêu hóa để phù hợp với sức khỏe. Người mắc bệnh nền như tiểu đường, béo phì, ung thư cần có chế độ ăn sáng riêng biệt, được tư vấn bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.