Thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống cho hay, Viện Pasteur Nha Trang đã thực hiện kiểm nghiệm 12 mẫu thực phẩm do Trung tâm Kiểm nghiệm - Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm Quảng Nam lấy mẫu vào ngày 13/9 tại cơ sở bánh mì Phượng.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm cho thấy, trong mẫu chả heo phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE và HBL.
Trong mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo, phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE. Mẫu xíu mại phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố NHE. Thịt heo xíu mại phát hiện Salmonella.
Theo các bác sĩ, vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella.
Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao.
Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây hai dạng ngộ độc. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột.
Cũng theo thông tin từ Báo Thanh Niên, chiều 12.9, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận thông tin 5 người trong 1 gia đình có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở tiệm bánh mì Phượng ở TP.Hội An. Đơn vị đã phối hợp Trung tâm Y tế TP.Hội An thành lập đoàn điều tra để nắm thông tin.
Sau đó, số lượng bệnh nhân tăng nhanh, đến nay ghi nhận 144 người có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn bánh mì Phượng. Hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng lâm sàng của người bị ngộ độc thực phẩm gồm: nôn mửa, đau bụng, sốt cao, đại tiện lỏng nhiều lần, đau đầu...
Qua kiểm tra, ngành chức năng xác định vào ngày 11.9, tiệm bánh mì Phượng đã bán 1.920 ổ bánh mì. Ngày 12.9, cơ sở này tiếp tục bán hơn 1.700 ổ bánh mì. Đáng chú ý, khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh; chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác. Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh…