Trẻ em là "mầm non" của đất nước và là "tương lai" của thế giới. Trong số đó, một số trẻ khi lớn lên có "sứ mệnh" quyết định đất nước sẽ vận hành như thế nào. Vì vậy, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng trẻ lớn lên trong một môi trường khiến chúng trở nên lương thiện, trung thực và thông minh để đảm nhận những trách nhiệm đi kèm với quốc gia và thế giới.
Sự trung thực đảm bảo sự tin cậy và liêm chính, đồng thời sự thông minh trang bị cho trẻ kỹ năng giải quyết những vấn đề phức tạp trong cuộc sống. Vì vậy, để giúp con bạn "sẵn sàng" cho thế giới, dưới đây The Times of India liệt kê 5 lời khuyên để nuôi dạy một đứa trẻ thành người trung thực và thông minh.
Hãy là những hình mẫu hoàn hảo
Trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng và sẽ bắt chước cha mẹ cũng như hành vi của cha mẹ trong một thời gian rất dài. Điều này có nghĩa là hành động và lời nói của cha mẹ đang xác định đúng sai cho con trong một thời gian dài.
Cha mẹ là người chịu trách nhiệm tạo ra những biểu hiện đúng đắn và dạy trẻ những điều đúng đắn. Vì vậy, điều quan trọng là phải cho trẻ thấy sự trung thực trong hành động và tương tác của chính cha mẹ.
Mỗi cha mẹ hãy minh bạch về suy nghĩ, quyết định và cảm xúc. Học cách thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm về chúng. Bằng cách trở thành một tấm gương về sự trung thực, các bậc cha mẹ sẽ tạo nền tảng vững chắc để con mình noi theo.
Khuyến khích đặt câu hỏi
Điều quan trọng là tạo ra một môi trường khuyến khích việc đặt câu hỏi và khám phá các chủ đề mới. Khi con còn nhỏ và vẫn đang học hỏi những điều mới hàng ngày, điều quan trọng là cha mẹ không nên lảng tránh các câu hỏi.
Hỗ trợ sự tò mò của trẻ bằng cách tạo cơ hội học tập thông qua trải nghiệm thực tế, sách, thảo luận và xem xét các chủ đề đa dạng. Khuyến khích trẻ suy nghĩ chín chắn bằng cách đặt câu hỏi kích thích kỹ năng lý luận và giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng suy luận thông minh bằng cách thử thách trí óc suy nghĩ độc lập và logic.
Ra quyết định có đạo đức
Mặc dù cha mẹ có thể nghĩ rằng chúng vẫn còn là trẻ con và tại sao chúng phải lo lắng về những tình huống khó xử về mặt đạo đức, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần phải dạy trẻ cách thoát khỏi những tình huống thử thách về mặt đạo đức.
Thúc đẩy trẻ tham gia vào các cuộc thảo luận về những tình huống khó xử về đạo đức và những lựa chọn đạo đức ngay từ khi còn nhỏ. Việc khuyến khích trẻ suy nghĩ về hậu quả hành động của bản thân đối với người khác cũng rất hữu ích.
Điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ ném chiếc máy tính bảng của mình đi trong cơn giận dữ, hậu quả của việc làm tổn thương ai đó và những điều tương tự như thế này. Giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của việc đưa ra quyết định dựa trên sự đồng cảm, công bằng và việc làm tốt là như thế nào. Cách tiếp cận này giúp trẻ thấm nhuần ý thức mạnh mẽ về tính chính trực và trung thực trong quá trình trẻ đưa ra quyết định.
Tạo không gian an toàn
Điều quan trọng là phải thiết lập một môi trường mà trẻ không bị phạt nếu dám lên tiếng. Bên cạnh đó, nếu trẻ làm sai điều gì đó, trẻ sẽ phải ngồi xuống và suy nghĩ để hiểu điều gì đã xảy ra và như thế nào. Vì vậy, hãy tạo một môi trường nơi trẻ cảm thấy an toàn để thể hiện bản thân mà không sợ bị phán xét.
Khuyến khích trẻ trao đổi cởi mở bằng cách tích cực lắng nghe suy nghĩ, mối quan tâm của trẻ khi trẻ có bất cứ điều gì bận tâm hay những điều tương tự. Xác nhận cảm xúc và ý kiến của trẻ, ngay cả khi trẻ khác với quan điểm của cha mẹ. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin và khuyến khích sự trung thực khi trẻ ngày càng thoải mái chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm sự hướng dẫn.
Coi trọng tính chính trực
Trẻ em cần được dạy về tầm quan trọng của sự chính trực trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Cố gắng thảo luận với trẻ về tầm quan trọng của tính trung thực, đáng tin cậy và có nguyên tắc. Hãy cho trẻ thấy sự chính trực tạo nên nền tảng của niềm tin trong các mối quan hệ, cả cá nhân lẫn nghề nghiệp như thế nào.
Khuyến khích trẻ duy trì các giá trị và nguyên tắc của mình ngay cả khi phải đối mặt với thử thách hoặc áp lực từ bạn bè, dần dần chúng sẽ lớn lên trở thành những người trưởng thành trung thực và thông minh.