Nhận định từ ban đầu đây là trường hợp bệnh lý phức tạp, diễn tiến nặng nên các bác sĩ hồi sức đã nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm.
Hội chẩn thống nhất chẩn đoán Sốc nhiễm khuẩn nghĩ từ đường hô hấp biến chứng suy đa cơ quan, viêm phổi biến chứng ARDS (Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển), viêm cơ tim - Suy tim cấp.
Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành các phương pháp hồi sức cho bệnh nhân như thở oxy liều cao, sử dụng thuốc vận mạch liều cao, thuốc kháng sinh phổ rộng, đặt ống thông động mạch theo dõi huyết áp liên tục…
Tuy nhiên sau 6 giờ nhập viện, bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp đột ngột phải đặt ống nội khí quản và gắn máy trợ thở thông số cao. Đồng thời bệnh nhân phải sử dụng đến 3 thuốc vận mạch liều cao để nâng huyết áp của bệnh nhân.
Trước tình hình bệnh lý diễn tiến nguy kịch, với sự tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia Hồi Sức Tích Cực của Bệnh viện Chợ Rẫy – TP. Hồ Chí Minh, ECMO (oxy hoá máu bằng màng ngoài cơ thể) được xem như phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, trong tình hình đại dịch COVID-19, cả 3 máy ECMO của bệnh viện đều đã can thiệp cho các bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tại Trung tâm hồi sức quốc gia điều trị COVID-19 của bệnh viện. Vì vậy, việc tìm máy ECMO để can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân trở nên vô cùng khó khăn. Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, choáng tim nặng nhịp tim rất nhanh, huyết áp giảm sâu, da nổi bông, nguy cơ tử vong rất cao.
Sau khi liên hệ và biết được thông tin về tình trạng bệnh nhân, để rút ngắn thời gian di chuyển phương tiện, Bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ vận chuyển máy ECMO đến Cần Thơ ngay trong đêm để can thiệp ECMO cho bệnh nhân.
Do bệnh nhân vừa sốc tim, kết hợp suy hô hấp nặng, phim chụp X-quang phổi thâm nhiễm lan tỏa hai phế trường nên ê kíp hội chẩn dùng phương pháp can thiệp song song vừa hỗ trợ tim, vừa hỗ trợ phổi nhân tạo cùng lúc (VAV ECMO).
Trong quá trình thực hiện ECMO kết hợp lọc máu liên tục sử dụng quả lọc hấp phụ cytokin cho bệnh nhân, các y bác sĩ phải luôn túc trực 24/24 và lên kế hoạch theo dõi chặt chẽ từng giờ các dấu hiệu sinh tồn, các kết quả xét nghiệm để thực hiện các điều chỉnh thích hợp nhằm đảm bảo kỹ thuật được tiến hành thuận lợi và chính xác nhất có thể.
Đồng thời, bệnh nhân cũng được điều trị nội khoa tích cực với nhiều loại thuốc kháng sinh phổ rộng và dinh dưỡng hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng phục hồi của bệnh nhân. Sau can thiệp ECMO tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ, huyết áp ổn định, nhịp tim giảm, liều thuốc vận mạch giảm dần.
Sau 6 ngày nỗ lực trong điều trị, đến sáng ngày 14/2 bệnh nhân đã tỉnh táo, gọi biết, hiểu được lời nói của y bác sĩ, ngưng được tất cả các thuốc vận mạch, các thông số máy thở cũng giảm dần và bệnh nhân đã ngưng hệ thống ECMO thành công.
Và 1 ngày sau đó (15/2), bệnh nhân đã được cai máy thở, rút ống nội khí quản, phổi thông khí tốt, các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng tiến triển rất khả quan. Chiều 16/2 bệnh nhân tỉnh, sinh tồn ổn, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa nội tim mạch.