Mất chân vì vết xước
Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Nội tiết trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân H. M.T. (28 tuổi) nhập viện với hai bàn chân hoại tử nặng, chảy dịch hôi thối do biến chứng của đái tháo đường tuýp 1.
Trước đó, anh T. bị tai nạn giao thông ngã xe máy, xây xát vùng da mu chân trái, không gẫy xương. Chỉ vài ngày sau, vết thương lan rộng, ăn sâu toàn chân trái, xuất hiện chảy dịch hôi, người bệnh mất cảm giác đau.
Lúc ấy, bệnh nhân không đi viện và tự mua thuốc về uống, đồng thời sử dụng thuốc lá để đắp lên chân.
Chỉ đến khi cơ thể ngày càng mệt mỏi, vùng tổn thương quá nặng bệnh nhân mới được đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra. Tại đây, trước tình hình diễn biến khá nặng của ca bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Khi vào viện, bệnh nhân T. có biểu hiện sốt cao liên tục kèm theo viêm phổi, nhiễm trùng bàn chân nặng và đang được theo dõi nhiễm khuẩn đường huyết, đe dọa tính mạng. Để bảo toàn tính mạng, bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ vùng tổn thương nặng tới gần đùi.
Hay như trường hợp của chị Vũ Minh H. (42 tuổi, Hà Nội) vào viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, sưng nề tấy đỏ lan tỏa toàn cổ chân, đường huyết tăng cao nhiễm Ceton niệu.
Chị H. bị tiểu đường đã 4 năm. Gần đây, chị thấy chân có vết chai nên ngâm chân với nước riềng nóng theo hướng dẫn trên mạng internet. Sau đó, từ vết chai bong ra và bắt đầu ăn toác bàn chân phải của chị. Khi chị tới bệnh viện, chỉ 5 ngày vết loét đã to như quả chanh và chị mất cảm giác đau đớn nên không biết.
Trường hợp của chị H., bác sĩ cho biết do vết thương của chị chưa sâu, chỉ cần dẫn lưu chậm thêm vài ngày nữa là phải cắt bỏ bàn chân.
Thêm trường hợp ông Đào Văn Đ. (61 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) phải cắt bỏ ngón chân cái vì đi giày chật.
Ông Đ. cho biết ông đi giày chật và tiền sử móng quặp thịt nên khoé móng chọc vào ngón chân và chỉ 1 tuần sau ngón chân của ông sưng to và loét nhưng ông không thấy đau nên sống chung đến khi có mùi thối, con cái khuyên đi viện ông Đ. mới đi kiểm tra.
Kết quả, ông bị đái tháo đường nhưng không biết mình đang mang bệnh và phải cắt cụt ngón chân cái do biến chứng của đái tháo đường.
Biến chứng hàng đầu
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho biết bệnh đái tháo đường có thể gây ra loét bàn chân, cắt cụt chi.
Bệnh nhân đái tháo đường khi bị tổn thương loét bàn chân có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 10-15 lần so với người không bị đái tháo đường. Kiểm soát đường huyết kém là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý thần kinh và bệnh mạch máu chi dưới.
Chấn thương ở bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thần kinh và/hoặc bệnh mạch máu ngoại vi có thể gây ra loét bàn chân đái tháo đường. Khi bị bội nhiễm, tổn thương loét làm tăng nguy cơ cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường.
Theo bác sĩ Thiện, tổn thương thần kinh ngoại vi là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi. Bệnh lý thần kinh ngoại vi còn chiếm tới 90% gây loét, tăng gấp 7 lần so với người bình thường.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường dẫn đến các biến chứng như biến dạng bàn chân, chai chân, khớp xương cứng, móng quặp, móng chân dày lên (thường có nhiễm nấm móng), chân bị phỏng rộp,… Biến chứng này gây ra tỷ lệ cắt cụt chi rất cao. Theo thống kê, trên thế giới cứ 20 giây trôi qua có 1 người bị cắt cụt chi.
Điều đặc biệt đáng lo ngại đó là bệnh nhân bị đái tháo đường ngày càng gia tăng và rất nhiều người không biết mình bị đái tháo đường nên biến chứng bàn chân họ không biết.
Bác sĩ Thiện cho biết với bệnh nhân đái tháo đường, người bệnh nên kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm, rửa bằng cách dùng nhiệt kế hoặc mu tay, khuỷu tay. Nhiệt độ nước không nóng quá cũng không lạnh quá (koảng 40oC là lý tưởng).
Không sưởi ấm chân bằng các phương pháp như sưởi bằng lò than, sưởi bằng viên gạch nung nóng, xông hơi bàn chân bằng nước nóng, ngâm chân trong nước nóng đốt lá ngải hơ chân, tắt chăn điện… vì dễ gây bỏng.
Thường xuyên kiểm tra bàn chân xem có vết loét nào không để được chăm sóc cẩn trọng. Tránh đai giày chật, các vết xước, vết chai chân không được tự ý cắt, khoét có thể gây loét bàn chân.