Ung thư là căn bệnh được nhiều người hiện nay đặc biệt quan tâm. Đây là bệnh lý chiếm tỷ lệ khá cao trên thế giới với hơn 160 ngàn ca mắc bệnh mới trong một năm. Trong đó, tỷ lệ tử suất chiếm khoảng 110 ngàn ca. Đây là vấn nạn chúng ta phải đối mặt.
Bác sĩ CKII Lê Thị Thu Sương, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết tại Việt Nam mỗi năm có trên 15 ngàn ca mắc ung thư mới. Trong đó, ung thư vú chiếm tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ. Đối với ung thư vú, căn bệnh này có thể tầm soát và phòng ngừa hiệu quả nếu có kiến thức.
Độ tuổi và nguyên nhân mắc bệnh ung thư vú
Trước đây, y học ghi nhận độ tuổi thường mắc bệnh ung thư vú là nữ giới sau tuổi 40. Thời gian gần đây, tỷ lệ ung thư vú ở người trẻ ngày càng cao.
Một thống kê tại Mỹ cho thấy ung thư vú có thể xuất hiện ở độ tuổi từ 15 – 19 tuổi. Trên thế giới, độ tuổi mắc bệnh trung bình dao động từ 45 – 49 tuổi.
Bác sĩ Lê Thị Thu Sương thông tin chị em cần biết nguyên nhân ung thư vú để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này.
Theo đó, nguyên nhân gây ra ung thư vú hiện nay thường đặt ở góc độ những yếu tố nguy cơ. Những đối tượng thuộc nhóm yếu tố nguy cơ có thể bao gồm:
- Phụ nữ béo phì.
- Phụ nữ có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi).
- Phụ nữ mãn kinh trễ (sau 55 tuổi).
- Những bệnh nhân xuất hiện khối u lành tính trước đó, những người nhiễm tia hoặc thực hiện chiếu tia xạ khu vực xung quanh vú.
- Phụ nữ độc thân không cho con bú cũng là đối tượng nằm trong yếu tố nguy cơ.
Ngoài ra, ung thư vú còn liên quan đến yếu tố gen, yếu tố di truyền. Những người mang gen BRCA có tỉ lệ mắc bệnh chiếm 10 – 15%. Đối với những người mang nhóm gen này, có thể phòng bệnh được nếu tầm soát ung thư vú tốt.
Những đối tượng nào nên tầm soát ung thư vú?
Bác sĩ Lê Thị Thu Sương cho biết theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) và Hiệp hội Ung thư Mỹ, đối tượng từ 40 – 70 tuổi hàng năm nên đi tầm soát ung thư vú.
Đối với nhóm đối tượng nguy cơ nói trên, nên tầm soát ở độ tuổi sớm sơn (từ sau 30 tuổi).
Phụ nữ từ 19 – 20 tuổi, khi có yếu tố gia đình và có những dấu hiệu nghi ngờ cũng nên đi khám sức khỏe nhằm tầm soát sớm.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Sương, hiện tại, nhũ ảnh và siêu âm là hai phương pháp tầm soát ung thư vú phổ biến, dễ thực hiện ở các bệnh viện nước ta và nhiều nước đang phát triển trên thế giới.
Phương pháp siêu âm đơn giản, chi phí phù hợp, không nhiễm tia, không độc hại. Tuy nhiên, cách làm này phụ thuộc rất nhiều vào người đọc.
Đối với phương pháp nhũ ảnh, cần đòi hỏi những kỹ thuật, máy móc phức tạp hơn. Ưu điểm là có thể phát hiện sớm những tổn thương ở kích thước rất nhỏ. Trên hình ảnh nhũ ảnh, bác sĩ có thể nhìn thấy rõ hơn những tổn thương nghi ngờ ác tính.
BS Sương cho biết nhiều chị em thắc mắc phương pháp chụp nhũ ảnh hàng năm có độc hại và có nguy cơ gây ung thư hay không. Trên thực tế, có những thống kê: Với những đối tượng từ 19 – 80 tuổi, yếu tố nguy cơ giảm dần.
Nghĩa là chúng ta càng chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú càng trẻ sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh. Tỷ lệ mắc ung thư vú sẽ giảm dần, còn 0 – 3% ở nhóm tuổi 19 – 40; ở độ tuổi từ 40 - 80 chỉ còn 0 – 0,2%.
Như vậy, qua nghiên cứu các chuyên gia cho thấy phương pháp chụp nhủ ảnh sau 40 tuổi hoàn toàn không phải là vấn đề đáng lo ngại.