Đọc sách là một trong những hoạt động cha mẹ nên duy trì cùng con ngay từ những năm đầu đời. Trong những ngày lễ Tết, dù bận vui xuân đến đâu cha mẹ cũng đừng quên dành thời gian đọc sách cùng con.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh) cho biết việc đọc sách, kể chuyện là một trong những hoạt động tương tác tích cực quan trọng cần có ở trẻ trước 10 tuổi. Cha mẹ nên dành tối thiểu 40 phút mỗi tuần hoặc 2 buổi tối trong tuần để đọc sách, kể chuyện cho trẻ.
Việc đọc sách không chỉ giúp bé phát triển nhận thức xã hội thông qua tương tác với cha mẹ, mà còn giúp con phát triển tư duy và ngôn ngữ thông qua trang sách và câu chuyện.
Tuy nhiên, để con hứng thú với hoạt động này, cha mẹ cần biết cách tương tác nhằm giúp con đạt được tối đa lợi ích khi đọc sách.
Bác sĩ Hoàng Anh thông tin mỗi độ tuổi sẽ có đáp ứng tương tác khác nhau, phát triển tư duy và đón nhận thông tin truyền tải khác nhau. Cha mẹ biết cách khai thác sẽ giúp trẻ phát triển tối đa trong hoạt động tương tác này.
Theo đó, cha mẹ có thể tham khảo để giúp trẻ phát triển đầy đủ khi tham gia đọc sách, kể chuyện cùng con.
Giai đoạn 15 ngày tuổi đến 7 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, bác sĩ Hoàng Anh cho biết điểm tương tác cần khai thác là chạm vuốt ve, lời nói của cha mẹ, âm thanh đơn và màu sắc tương phản.
Trong thời gian sớm, cha mẹ thật sự không cần quá quan tâm nhiều đến nội dung quyển sách hoặc câu chuyện.
Thay vào đó, cha mẹ cần thể hiện tố chất "nói nhiều" của mình khi đọc hoặc kể. Điều trẻ chú ý là lời nói của bạn hơn tất cả. Khi bé có vẻ không chú ý, hãy vuốt ve trẻ hoặc xoa nắn một số nơi nhạy cảm của trẻ như lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Đó là cách phụ huynh cho trẻ biết "có sự tồn tại của cha mẹ". Não bộ của trẻ tiếp nhận hình ảnh rất ngắn, nhưng đủ để biết là cha, mẹ chứ không phải ai khác. Sự tồn tại này gần như là duy nhất trong độ tuổi này. Trẻ con cần nhận ra mẹ của bé, đến cha của bé trước khi bắt đầu mở rộng nhận thức cho giai đoạn sau. Do đó, hãy khai thác chính cha và mẹ.
Âm thanh đơn thường là tiếng lục lạc, tiếng vỗ tay vào trang sách hoặc tiếng huýt sáo ví von để nói về tiếng chim. Cảm nhận của trẻ chỉ là âm thanh, chỉ là sự chú ý cần có với thế giới tự nhiên xung quanh bạn.
Màu sắc tương phản: Xanh - đỏ, đen - trắng, vàng- đỏ là những tông màu có thể có trong quyển sách hoặc dụng cụ mà bạn cần để tạo âm thanh.
Giai đoạn 8 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi
Điểm tương tác cần khai thác: Sự di động, lời nói ngắn, sử dụng vật thể mang tính "con mồi", tăng nhận thức cấu trúc vật thể không gian.
Theo bác sĩ Hoàng Anh, độ tuổi này, trẻ cần thêm ngôn ngữ. Cha mẹ nên nói nhiều, nhưng chú ý hơn vào những từ ngắn mang tính mô tả/định nghĩa như con vật, đồ vật quen thuộc.
"Trẻ 8 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi có sự tập trung đồng nghĩa với sự hiếu động và di động. Nghe có vẻ hơi lạ, nhưng nó đúng với sự phát triển não bộ của trẻ. Não bộ của trẻ sẽ bắt giữ hình ảnh cũng như trạng thái di động của hình ảnh. Do đó, không cho trẻ tương tác sẽ làm trẻ trở nên nhàm chán. Hãy tự do cho trẻ khám phá, lật trang, gặm nhấm quyển sách, đôi lúc cần dùng đến "con mồi" để giữ sự tập trung của trẻ. Con mồi có thể là 1 món đồ chơi trẻ thích hoặc đơn giản chỉ là 1 tờ giấy", bác sĩ Hoàng Anh thông tin.
Khi đọc sách hay kể chuyện, cha mẹ có thể lồng những vật thể để chỉ những điểm đặc trưng của cấu trúc không gian như độ dày, độ mỏng, góc tròn, góc vuông, phẳng, gồ ghề, nhám, trơn. Não bộ trẻ tiếp nhận cấu trúc không gian này như 1 phần bắt buộc để nhận thức xã hội lớn.
Giai đoạn từ 19 tháng tuổi đến 3 tuổi
Điểm tương tác cần khai thác: Câu ngắn, có phần cho trẻ sử dụng tư duy logic (mức độ thấp) và nội dung ngắn đơn giản.
Câu ngắn từ 3-4 từ là điều mà cha mẹ có thể nhấn mạnh lập lại khi đọc sách - kể chuyện cho trẻ độ tuổi này. Cha mẹ hãy bắt đầu với Chủ ngữ + Vị ngữ (động từ). Ví dụ: Con chim bay. Con gà chạy. Trẻ sẽ học cách ghép từ.
Đọc sách, kể chuyện độ tuổi này là đòi hỏi mức độ tư duy cao của bé. Nếu giai đoạn trước chỉ là gặm nhấm,lật trang thì sự tương tác ở giai đoạn này cần logic hơn. Trẻ cần được cho 1 số điều cần làm trong lúc cha mẹ đọc, kể như phân biệt lớn - nhỏ, vừa khít hay không vừa, dài-ngắn...
Nghĩa là cha mẹ tương tác hỏi trẻ những câu hỏi hoặc cho trẻ làm những bài tập liên quan đến tư duy logic. Điều trẻ học được không phải nội dung câu chuyện mà là sự tư duy liên quan đến câu chuyện.
Giai đoạn từ 3,5 tuổi - 6 tuổi
Điểm tương tác cần khai thác: Nội dung câu chuyện với thái độ mở, đóng diễn kịch hoặc kể lại.
Nội dung câu chuyện với thái độ mở là gì? Nghĩa là cha mẹ đừng tự diễn hoặc tự cho kết thúc câu chuyện theo cách bạn hiểu/nghĩ. Hãy giúp trẻ tự đóng lại hoặc diễn, hoặc kết thúc nó theo suy nghĩ của trẻ.
Khi kể chuyện Tấm Cám, hầu hết ai cũng đồng tình mụ dì ghẻ thật ác độc khi không cho Tấm đi dự hội. Tuy nhiên, vẫn có 1 số bé nghĩ rằng: Dì ghẻ rất thương con của bà! Vì sao? Bà biết con bà không đẹp bằng chị Tấm, nên muốn dành phần ưu tiên cho con bà là Cám. Bà dì ghẻ có thể ích kỉ và hung dữ với một ai đó, nhưng với con bà, bà rất thương con bà. Với Cám, bà là tình thương con.
Đây là 1 ví dụ về điều mà bạn cần dạy trẻ. Không phải mình dạy trẻ kiểu nhận định hay phán xét ai đó. Thay vào đó, là dạy trẻ cách tư duy và định nghĩa những bài học nhân nghĩa để trẻ có thể nhận định được 2 mặt của vấn đề khi trẻ lớn.
Chủ đề và câu chuyện độ tuổi này là các định nghĩa và khái niệm về nhân nghĩa như: Lòng tốt, sự chia sẻ, tình thương con, yêu động vật... Hoặc các khái niệm về cách sống như lười nhác, siêng năng, cẩu thả...
Bác sĩ Hoàng Anh nhấn mạnh: "Nếu bạn muốn trẻ có những nhận định tốt về nhân nghĩa hoặc cách sống lành mạnh, đây là độ tuổi cần khai thác những câu chuyện như vậy. Bởi vì não bộ của trẻ trong độ tuổi này phát triển nhận thức và trong sáng khi đón nhận những định nghĩa đúng. Hãy dạy trẻ sống có nhân cách từ sớm và từ giai đoạn này".