Bà Maye Musk, một chuyên gia dinh dưỡng và là mẹ của Tỷ phú nổi tiếng Elon Musk đã chia sẻ trong những ngày đầu của năm 2020 về điều làm nên những đứa trẻ thành công.
Đó là bạn luôn tôn trọng con. Đặc biệt bà luôn chú ý vào những cuộc trò chuyện, những thỏa thuận và vui chơi cùng các con. Vì khi đó, bạn thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng của bạn về khả năng của đứa trẻ. Con được nuôi dưỡng trong niềm tin sẽ trở nên tự tin hơn.
Để giao tiếp hiệu quả với trẻ bạn cần nắm rõ 3 nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1. Đừng nghĩ bé là trẻ con
Quan trọng nằm ở suy nghĩ của bạn vì suy nghĩ sẽ quyết định, thái độ, hành động và nội dung giáo dục của câu chuyện khi nói chuyện với trẻ.
Khi bạn nghĩ trẻ còn nhỏ không hiểu chuyện thì câu chuyện và thái độ, thậm chí thông điệp bạn muốn giáo dục trẻ cũng theo xu hướng "Trẻ con, đâu quá quan trọng". Điều này sẽ không tốt, nhất là độ tuổi trước 10, khi ấy trẻ hầu như sẽ học từ bạn và các thành viên trong gia đình.
Khi trò chuyện, bạn hãy đặt mình vào trẻ -đó là lời khuyên của chuyên gia tâm lý người Anh, TS.Palmano. Khi đó, hãy làm như trẻ làm và bạn sẽ hiểu tại sao trẻ có câu hỏi này hoài, tại sao con mình mãi làm sai điều này.
Nguyên tắc 2. Đừng vội la mắng, quát nạt trẻ
Vấn đề này xảy ra đôi lúc chúng ta không kiềm chế được, nhưng cũng không ít trường hợp chỉ là thói quen của nhiều cha mẹ. Họ nghĩ rằng: Dập tắt sự mong muốn của trẻ bằng lên giọng thật lớn là được. Nhưng vấn đề vẫn không được giải quyết vì khi bắt đầu nó đã là cách phi giáo dục.
Trẻ con lúc nghe bạn quát mắng chỉ là thu mình lại. Nhưng trẻ học được rất nhanh là không có gì xảy ra sau đó. Trẻ cũng học được bài học đáng lẽ không nên được dạy "cứ lên giọng thật lớn là được".
Do đó, việc trẻ bướng hơn, la khóc lớn hơn là điều dễ hiểu. Khi lớn, trẻ cũng dùng bài học này để giao tiếp với mọi người.
Thực tế, bạn hãy nhìn lại xem: Đâu mấy ai có nhiều mối quan hệ tốt hoặc thành công khi họ lúc nào cũng dùng cách lên giọng để có được vấn đề.
Nguyên tắc 3. Đừng dễ dàng đồng ý trừ khi trẻ cho cha mẹ lý do đồng ý
Trẻ con ngày nay rất dễ dàng có được sự chấp nhận của cha mẹ và mọi người xung quanh bé. Quá dễ dàng cũng là 1 vấn đề với lứa tuổi trước 12. Khi đó, trẻ không nhận ra mối quan hệ cho-nhận.
Rất khó dạy trẻ điều này khi cha mẹ luôn là người cho, trẻ luôn là người nhận. Khi ra xã hội, chúng ta mới thấy kĩ năng này quan trọng như thế nào bởi vì không ai mãi là người cho, cũng không ai mãi là người nhận. Cần qua lại để bền vững và phát triển. Gia đình có con một hoặc có con trai đầu lòng thường nên chú ý vấn đề này vì các bé rất dễ thành người nhận.
Để giúp trẻ quân bình và hiểu quy luật của xã hội, cha mẹ đừng quá dễ dàng đồng ý trừ khi trẻ cho bạn biết tại sao trẻ cần sự đồng ý của bạn. Bài học trẻ học ngoài cho nhận, trẻ còn biết cách sử dụng suy nghĩ và đưa ý kiến của trẻ.
Nên nhớ, khi trẻ dễ dàng có thì trẻ không dành thời gian để tận hưởng cái đã có và lựa chọn khi cần nó. Khi trẻ không dễ dàng có điều gì, trẻ sẽ bắt đầu suy nghĩ chiến lược để đạt nó và sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào với điều trẻ có.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh)