Đọc sách cho bé khi nào nên bắt đầu?
Thực tế cho thấy, cha mẹ không cần phải đợi cho đến khi con biết nói, ngay từ khi còn nhỏ chưa thể hiểu được mọi thứ xung quanh. Việc đọc sách sẽ dạy bé nhận ra âm thanh và nhịp điệu của ngôn ngữ, cảm nhận sự âu yếm với cha mẹ, nhận thấy điều này thật thoải mái và vui vẻ.
Đọc sách cũng là một cách tuyệt vời để ông bà và anh chị lớn gắn kết với em bé. Các nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em thường xuyên đọc từ giai đoạn sơ sinh sẽ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ rất tốt và tăng hứng thú với việc đọc, giúp cải thiện tâm lý sẵn sàng của trẻ cho lớp mẫu giáo sắp tới.
Hình thành thói quen đọc sách cho bé mỗi ngày
Cố gắng để việc đọc trở thành thói quen hàng ngày của cha mẹ với bé cho đến khi bé được 10 tuổi hoặc hơn. Phụ huynh có thể bắt đầu đọc một đoạn ngắn chỉ vài phút mỗi lần và kéo dài từ từ đến các bài đọc dài hơn, cho đến khi con lớn lên và khoảng thời gian tập trung chú ý của bé dài hơn.
Hãy tìm một nơi thoải mái để đọc và tắt các thiết bị phiền nhiễu khác như tivi hoặc radio. Làm cho câu chuyện trở nên sống động bằng cách sử dụng nhiều giọng nói khác nhau cho các nhân vật khác nhau.
Trẻ em có thể quan tâm đến các loại sách khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, sự phát triển, tính cách của mỗi bé. Các bé nhỏ thường thích những cuốn sách với những hình vẽ thú vị, nhiều màu sắc, có thể nhìn và chạm vào.
Đối với trẻ lớn hơn một chút thường thích những cuốn sách với hình ảnh phức tạp hơn, câu chuyện có vần điệu, từ ngữ hài hước và có thể mang lại bài học từ những câu chuyện thú vị.
Trẻ cũng có thể say mê với những cuốn sách về động vật, xe tải, công chúa hoặc hình ảnh những em bé như mình. Hãy thử những cuốn sách khác nhau với con để khám phá những gì mà bé thích.
Lời khuyên khi đọc sách cho bé nghe theo từng lứa tuổi
Từ sơ sinh đến 1 tuổi
Trong những ngày tháng đầu đời, cha mẹ hãy ôm bé và đọc thật nhỏ nhẹ hoặc nói và hát cho bé nghe khi bé bú no và chuẩn bị ngủ trở lại. Giai đoạn mới sinh, bé thường ngủ liên tục và cũng rất dễ ngủ khi no, do đó việc đọc sách cho bé nghe thường không kéo dài.
Đến khoảng 3 - 6 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu thích nhìn vào gương và hình ảnh khuôn mặt, hình dạng, màu sắc. Bé bắt đầu biết tạo ra âm thanh khi vui vẻ, muốn tiếp cận và chạm vào hình ảnh. Cha mẹ nên chọn sách có hình ảnh và kết cấu thú vị.
Đến 6 - 12 tháng tuổi, em bé có thể ngồi trong lòng bạn, nhìn vào các bức tranh, chạm vào cuốn sách và đặt cuốn sách vào miệng. Nên sử dụng sách có chất liệu an toàn cho trẻ em, khi đọc hãy chỉ và đặt tên cho các bức tranh để tương tác với bé.
Từ 1 đến 2 tuổi
Giai đoạn từ 12 - 18 tháng tuổi, bé có thể biết chọn sách từ kệ, ngồi đọc sách, cầm sách và lật trang. Theo dõi sở thích của bé trong việc đọc miễn là cuốn sách thu hút sự chú ý của bé. Khi đọc sách cho bé nghe, hãy hỏi những chú chó con ở đâu và yêu cầu con chỉ vào đó.
Giai đoạn từ 18 - 24 tháng tuổi, con bạn có thể bắt đầu gọi tên những bức tranh và nhân vật quen thuộc. Một quyển sách cha mẹ có thể đọc đi đọc lại nhiều lần cho bé nghe. Vào những lần sau có thể hỏi bé điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và khuyến khích bé trả lời những câu ngắn, điều này sẽ cải thiện khả năng tập trung và ghi nhớ cho bé.
Từ 2 đến 3 tuổi
Khi đọc sách cho bé, hãy đặt câu hỏi cho bé về những gì xảy ra trong cuốn sách và liên quan đến các nhân vật trong câu chuyện, hỏi cảm nhận và trải nghiệm của bé như: Ai là người tốt, ai chưa tốt, con thích ai, không thích ai, vì sao…
Từ 3 tuổi trở lên
Lúc này bé có thể tự lật từng trang một, có thể nghe những câu chuyện dài hơn và kể lại những câu chuyện quen thuộc bằng lời nói của mình. Bé cũng sẽ bắt đầu nhận ra các chữ cái và số. Do đó, cha mẹ nên bắt đầu dạy bé về chữ và số thông qua tranh ảnh và các nhân vật. Có thể hỏi bé có bao nhiêu quả bóng trong bức tranh này và cùng đếm với bé.
Qua bài viết này, cha mẹ chắc hẳn đã tự tìm cho mình câu trả lời cho việc đọc sách cho bé khi nào là thích hợp nhất. Việc đọc sách cho bé thật sự không tốn quá nhiều thời gian, do đó hãy bắt đầu ngay từ bây giờ nếu bạn đang có con nhỏ.