Có ít nhất là 5 trong 6 triệu chứng của bệnh, trong đó có sốt cao liên tục, không hạ trên 5 ngày; hoặc 4 biểu hiện viêm kết mạc mắt, môi, lưỡi đỏ, họng đỏ, thay đổi đầu chi (lòng bàn tay, lòng bàn chân hơi phù) kèm theo dấu hiệu bất thường động mạch vành trên siêu âm thì chắc chắn con bạn mắc bệnh Kawasaki (hội chứng viêm mạch máu toàn thân đi kèm sốt cấp tính).
Trường hợp bé Nguyễn Thanh T. (23 tháng tuổi) có biểu hiện sốt cao liên tục 5 ngày, uống thuốc hạ sốt mà không hạ. Bố mẹ bé cho biết, theo dõi con thấy môi đỏ, lưỡi đỏ, nổi gai lưỡi, 2 mắt đỏ, lưng cũng có ban đỏ nên đã cho con đi Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu và được xác định bé mắc bệnh Kawasaki – căn bệnh hiếm gặp.
Tổng quan về bệnh Kawasaki
Tuổi khởi phát bệnh Kawasaki trung bình là từ 16 tháng đến 9 tuổi và tỷ lệ bé trai mắc bệnh nhiều hơn bé gái. Bệnh khởi phát cấp tính, với những triệu chứng điển hình là: sốt cao kéo dài; phát ban đỏ khắp cơ thể; hai mắt đỏ, môi đỏ, bong rộp ở miệng; bong rộp ở đầu các ngón tay, ngón chân; nổi hạch ở cổ; có thể kèm theo sưng và đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân...
Riêng lưỡi của trẻ có thể đỏ và có các mụn nhỏ nổi lên (nhú), tình trạng này được gọi là "lưỡi dâu tây" vì các nhú phóng to giống như hạt của quả dâu tây trên bề mặt quả. Lưỡi trở nên khô, nứt và thường có màu đỏ tươi. Màng nhầy miệng chuyển sang màu đỏ sẫm hơn bình thường.
Hơn 80% bệnh nhân Kawasaki có phát ban trên da, ban biểu hiện đa dạng như ban dạng sởi, ban dạng dát đỏ, ban dạng sẩn đỏ nhưng có khi là ban dạng tinh hồng nhiệt, giống hồng ban đa dạng và có khi là ban mụn mủ.
Theo PGS.TS Hồ Sỹ Hà - Nguyên Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương - bác sĩ nghiên cứu và trực tiếp điều trị căn bệnh này thì Kawasaki là bệnh dễ bỏ sót chẩn đoán vì lâm sàng đa dạng rất giống nhiều bệnh nhiễm trùng khác, trong khi bệnh tiến triển có vẻ như tự thoái lui. Vì vậy bệnh này nếu phát hiện muộn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.
Kawasaki là bệnh gì? Tuổi nào dễ gặp?
PGS.TS. Hồ Sỹ Hà cho biết, bệnh Kawasaki hay gặp ở trẻ nam hơn nữ, bệnh chiếm ở thành thị nhiều hơn. Bệnh khởi phát quanh năm, cao nhất vào các tháng 3, 5 và 9.
Kawasaki là bệnh sốt mọc ban cấp tính ở trẻ nhỏ với đặc điểm viêm mạch máu lan tỏa và dễ để lại biến chứng phình giãn động mạch vành tim. Được mô tả năm 1967 bởi bác sĩ T.Kawasaki, tới nay bệnh được phát hiện ở trẻ em hầu hết các nước trên thế giới. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và tại các quốc gia phát triển khác, Kawasaki đang là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch mắc phải ở trẻ em.
Tại Việt Nam, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện năm 1995, đến nay bệnh gặp ngày một nhiều trong khắp các vùng miền. Đáng lưu ý là hầu hết trẻ nghi ngờ Kawasaki ở nước ta đều điều trị tại các trung tâm nhi khoa vừa để xác định chẩn đoán vừa để nhận điều trị Globulin miễn dịch theo chế độ miễn phí. Cho đến nay, hầu hết bệnh nhân Kawasaki tại các tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt tại Hà Nội đều được chẩn đoán và theo dõi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Làm thế nào để phát hiện bệnh Kawasaki? Triệu chứng nhận biết bệnh
Để phát hiện bệnh Kawasaki, các bác sĩ tiến hành thăm khám, làm đồng loạt các xét các nghiệm cơ bản như công thức máu, tốc độ lắng máu, CRP, Protit và Albumin huyết thanh, X-quang tim phổi, điện tim. Thăm dò siêu âm tim cho tất cả các trường hợp trước và sau điều trị, thời điểm 1 tháng và 3 tháng. Đánh giá có thương tổn mạch vành khi đường kính trong của động mạch vành (ĐMV) > 3mm ở trẻ dưới 4 tuổi và > 4mm ở trẻ trên 4 tuổi; hoặc kích thước >1,5 lần đoạn kế tiếp.
Về triệu chứng mắc bệnh Kawasaki, PGS.TS Hồ Sỹ Hà đánh giá là khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh như sốt siêu vi. Khi thấy trẻ có các triệu chứng này thì nên đưa ngay đến viện:
- Sốt liên tục trên 5 ngày
- Phát ban.
- Viêm kết mạc.
- Thay đổi khoan g miệng.
- Thay đổi và bong da đầu chi.
- Ðỏ tím bàn tay, bàn chân, phù nề mu bàn tay, mu bàn chân, bong da ở đầu ngón.
- Mọc ban đỏ đa dạng toàn thân, nổi hạch ở cổ và góc hàm, tổn thương tim mạch (thường sau 2-3 tuần).
- Xét nghiệm thấy tốc độ máu lắng cao, bạch cầu tăng, tiểu cầu tăng…
Biến chứng của bệnh Kawasaki
Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời, Kawasaki có nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Các biến chứng đó là:
- Viêm tim.
- Phình giãn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim và biến chứng suy động mạch vành mạn tính về sau.
- Ở hầu hết trẻ mắc bệnh, tổn thương mạch vành thường nhỏ và không kéo dài. Tuy nhiên, một số trường hợp tổn thương có thể tồn tại đến khi trẻ trưởng thành.
- Loạn nhịp tim.
- Mắc bệnh Kawasaki có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như hệ thần kinh, thận, hô hấp, tiêu hóa, sinh dục…
Đa phần bệnh nhân Kawasaki ở nước ta đều được phát hiện tại bệnh viện nên dễ gặp bệnh nhân biểu hiện rầm rộ, sốt kéo dài hơn. Bệnh cũng thường gặp ở trẻ nhỏ tuổi hơn so với bệnh nhân bỏ sót trong cộng đồng.