Số ca nhiễm và nhập viện do COVID-19 đang gia tăng ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng biến thể phụ EG.5, có biệt danh là Eris, đang chiếm ưu thế trong số ca nhiễm toàn cầu, theo hãng tin Reuters.
Biến thể Eris (EG.5) có mặt 50 quốc gia
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Eris là một biến thể phụ của dòng Omicron, được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 17-2.
Theo WHO, tính đến ngày 8-8 biến thể EG.5 đã được tìm thấy ở hơn 50 quốc gia. Trên toàn cầu, biến thể này chiếm 11,6% ca nhiễm mỗi tuần hồi giữa tháng 7, tăng 6,2% so với một tháng trước đó.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết EG.5 đang là biến thể phụ COVID-19 phổ biến nhất và phát triển nhanh nhất ở Mỹ với khoảng 17% trường hợp mắc COVID-19 hiện tại nhiễm biến thể này.
EG.5 cũng đang gia tăng ở một số quốc gia khác trên toàn cầu, bao gồm Ireland, Pháp, Anh, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật.
Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết nước này đã bắt đầu theo dõi EG.5.1 (một nhánh của EG-5) từ tháng 7 và tính đến ngày 20-7, biến thể này chiếm 14,5% các ca nhiễm tại Anh.
Vì sao lan nhanh thế?
Ngày 9-8, WHO đã nâng mức cảnh báo EG.5 thành biến thể đáng quan tâm và yêu cầu theo dõi chặt chẽ hơn so với các biến thể khác do lo ngại các đột biến có thể khiến biến thể này lây lan nhanh và nghiêm trọng hơn.
Theo ông Andrew Pekosz - giáo sư về vi sinh học phân tử và miễn dịch học tại ĐH Johns Hopkins (Mỹ), khả năng miễn dịch suy giảm trong quần thể người có khả năng góp phần vào sự lây lan nhanh chóng của EG.5. Biến thể EG.5 có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch hiệu quả hơn so với các biến thể khác, đó là lý do tại sao biến thể này có mặt khắp thế giới.
“Tỉ lệ miễn dịch với COVID-19 trong dân số hiện tương đối thấp so với trước đây. Ngoài ra, các biến thể mới cũng có những thay đổi khiến chúng có thể vượt qua khả năng miễn dịch mà vaccine cung cấp cho chúng ta, đó là nguyên nhân khiến nhiều người dễ nhiễm virus hơn” - hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Pekosz.
Độc lực ra sao?
Cách thức biến thể này xâm nhập các tế bào và mô trong cơ thể người cũng tương tự các biến thể Omicron khác. Dù EG.5 là biến thể mới nhưng các triệu chứng do nó gây ra không khác biệt nhiều và cũng không nghiêm trọng hơn các biến thể trước đó.
Các triệu chứng có thể xảy ra khi nhiễm biến thể EG.5 bao gồm sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau ngực, nghẹt mũi, ho, nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, đau họng hoặc mất vị giác hoặc khứu giác (tương tự các chủng virus corona trước đó).
WHO cho biết tại thời điểm này, biến thể EG.5 chưa gây ra nhiều mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể trước đó của Omicron và “không có bằng chứng về sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh liên quan trực tiếp EG.5”.
Sắp có vaccine cho biến thể mới nhưng liệu còn ai muốn tiêm?
Theo Reuters, một loại vaccine COVID-19 mới dự kiến sẽ được đưa ra tại Mỹ vào tháng 9 trong bối cảnh số ca nhập viện do biến thể Iris (EG.5) gia tăng.
Các tập đoàn dược phẩm như Pfizer/BioNTech, Moderna và Novavax đều đã sản xuất các phiên bản vaccine cập nhật cho biến thể XBB.1.5 - một biến thể phụ tương tự EG.5 của Omicron.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế dự đoán mọi người sẽ “lạnh nhạt” với các mũi tiêm nhắc lại trong tương lai.
Tại Mỹ, nhu cầu về vaccine đã giảm mạnh, năm 2021 - thời điểm lần đầu tiên vaccine được cung cấp, có hơn 240 triệu người (tương đương 73% dân số) đang trong thời gian được chủng ngừa vaccine. Đến mùa thu năm 2022, con số này chưa đến 50 triệu.
Ông Ashley Kirzinger - Giám đốc tại tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation (Mỹ) nhận định rằng mối lo ngại của người dân về virus giảm, cùng với sự mệt mỏi, hoài nghi về tính hiệu quả của các loại vaccine mới khiến nhiều người không muốn tiêm phòng.
“Nếu giới chức y tế muốn thấy phần lớn người trưởng thành tiêm liều tăng cường, họ sẽ phải chứng minh với người dân Mỹ rằng COVID-19 vẫn chưa kết thúc và vẫn còn gây ra rủi ro” - theo ông Kirzinger.
Dù vậy, các bác sĩ gợi ý rằng người già và những người có nguy cơ mắc bệnh cao nên tiêm mũi tăng cường hàng năm. Tiến sĩ William Schaffner - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Vanderbilt (Mỹ) khuyến nghị trẻ em và cả những người trẻ, không có bệnh lý nền cũng nên tiêm vaccine mới để ngăn các triệu chứng nghiêm trọng nếu không may nhiễm COVID-19.