Nội dung bài viết
Trẻ em ăn hải sản có lợi ích gì?
Hải sản thường giàu đạm và các dưỡng chất cần thiết khác. Hải sản cũng chứa rất ít chất béo không no và giàu axit béo omega – 3, là chất béo cần thiết cho cơ thể. Chúng còn giàu vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) và khoáng chất (canxi, kẽm, sắt, …). Do đó, hải sản sẽ góp phần đa dạng cho chế độ ăn cân đối, khoẻ mạnh và giúp trẻ tăng trưởng tốt.
Một số loại hải sản cha mẹ nên bổ sung cho con như:
Cá biển: Đây là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn thịt gia cầm, phù hợp với cơ thể con người. Cá biển giàu omega – 3 để tạo tế bào thần kinh, phát triển thị lực và có tác dụng phòng chống bệnh tim mạch. Gan cá còn giàu vitamin A và D. Cá biển nên ăn gồm cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá basa…
Tôm, cua là thực phẩm có hàm lượng canxi cao, vitamin nhóm B, axit folic. Thế nên cua và tôm là thực phẩm “siêu tốt” cho sự phát triển của trẻ.
Các loại hải sản có vỏ như hàu, ngêu, ốc…chứa nhiều kẽm, vi chất quan trọng với bé.
Với những thông tin trên chắc chắn quý phụ huynh đã có câu trả lời trẻ em ăn hải sản có tốt không?
Khi nào thì cho trẻ ăn hải sản?
Trừ các loại hải sản có vỏ, bạn có thể cho bé ăn cá ở dạng bột sệt hoặc nghiền nhuyễn ngày từ 6 tháng tuổi khi bé bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên do đạm trong hải sản nói chung cũng như cá thường hay gây dị ứng cho trẻ vì vậy nên cho bé ăn từ tháng thứ 7 trở đi là tốt nhất.
Ngày nào bạn cũng có thể cho trẻ ăn từ 1- 2 bữa hải sản, nhưng tuỳ theo độ tuổi mà lượng thức ăn mỗi bữa khác nhau:
Trẻ 7 – 12 tháng: Mỗi bữa có thể ăn 20 – 30 gam thịt của cá, tôm (đã bỏ xương, vỏ), tối thiểu ăn 3 – 4 bữa/tuần
Trẻ 1 -3 tuổi: Mỗi ngày ăn 1 bữa hải sản nấu với cháo hoặc ăn mỳ, bún , súp…mỗi bữa ăn 30 - 40 gam thịt của hải sản.
Trẻ từ 4 tuổi trở lên: Có thể ăn 1 – 2 bữa hải sản/ngày, mỗi bữa có thể ăn 50 – 60 gam thịt của hải sản.
Hệ miễn dịch của trẻ không tốt bằng người lớn nên trẻ dễ bị mẫn cảm và dị ứng với hải sản nếu không hợp. Bởi vậy, khi cho trẻ em ăn hải sản, cha mẹ nên nhớ chỉ cho bé dùng thử một ít và chờ phản ứng, nếu thấy cơ thể trẻ không có phản ứng thì mới tăng dần lượng hải sản trong thực đơn.
Khi cho trẻ em ăn hải sản, cha mẹ phải lưu ý lựa loại hải sản còn tươi, không ăn hải sản đã ôi thiu, có mùi… vì dễ gây ngộ độc thực phẩm. Hải sản cần được chế biết kỹ để loại bỏ các loại vi trùng và ký sinh trùng có hại cho trẻ.
Các món cháo hải sản cho bé
Tốt nhất cha mẹ cho bé ăn nhiều loại hải sản hấp, luộc vì sẽ giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng tốt hơn khi chiên dầu. Ngược lại, khi chiên dầu mỡ sẽ bão hoà lượng chất béo không no khiếm hàm lượng chất dinh dưỡng suy giảm và sản sinh ra peroxit lipid có hại cho sức khỏe.
Mẹ có thể tham khảo cách chế biến các món cháo hải sản cho bé thơm ngon, bổ dưỡng sau đây để bổ sung vào thực đơn hằng ngày cho trẻ thưởng thức.
Cháo tôm với rau dền
Nguyên liệu:
Bột gạo 20 gam
Tôm băm nhuyễn 20 gam
Rau dền băm nhuyễn 10 gam
1 muỗng cà phê dầu oliu
Cách thực hiện:
Cho gạo vào nấu cháo nhuyễn. Tôm bóc võ băm nhuyễn, rau dền rửa sạch băm nhuyễn.
Khi cháo chín thì cho tôm và rau dền băm nhuyễn vào khuấy đều, cho thêm gia vị cho bé và dầu oliu là mẹ đã hoàn thành món cháo hải sản cho bé.
Cháo cá hồi bó xôi
Nguyên liệu:
Cháo: 80 gam
Cá hồi: 30 gam
Cải bó xôi: 20 gam
1 viên phô mai vị cà chua
Dầu oliu
Cách làm:
Cá hồi hấp chín, dằm, xé nhỏ. Cải bó xôi rửa sạch, bằm nhỏ.
Đun sôi cháo trắng, cho cá hồi vào nấu chín, tiếp tục cho cải bó xôi vào nấu sôi thì tắt bếp.
Thêm phô mai vào cháo rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Đối với những trẻ còn chưa ăn được thô thì mẹ có thể cho vào máy xay xay nhuyễn rồi cho bé dùng.
Cháo ngao rau mồng tơi
Nguyên liệu:
Mồng tơi: 20– 30 gam
Ngao sống: 200 gam
Gạo: 35 gam
Cách làm:
Ngao rửa sạch, luộc sơ cho há miệng, nhặt bỏ vỏ. Rồi lọc lấy một bát nước ngao trong. Ruột ngao mẹ làm sạch rồi băm nhỏ.
Rau mồng tơi rửa sạch và thái nhỏ. Gạo cho vào nấu cháo
Nước luộc ngao mẹ đun sôi rồi cho rau vào đun khoảng 3 phút. Cuối cùng mẹ đổ cháo vào trộn đều lên, đun sôi lên là có thể đổ ra bát và cho bé ăn ngon lành.
Cháo cá ngừ
Nguyên liệu
Cá ngừ không da: 30 gam
Gạo: 30 gam
Cà rốt: ½ củ
Hành tây: ½ củ
Hành lá, gừng: 1 nhánh nhỏ; Hành tây, hành lá rửa sạch thái nhỏ.
Cách làm:
Cà rốt, gừng rửa sạch, thái/nạo sợi nhỏ.
Cá rửa sạch, băm/thái nhỏ tùy theo khả năng ăn thô của bé. Ướp gia vị (muối, tiêu, đường…) nếu bé được hơn 12 tháng.
Gạo nếp, gạo tẻ đem vo, để ráo nước. Rồi láng dầu vào chảo đun nóng thì cho ít tỏi băm vào phi thơm, tiếp tục đổ thêm gạo vào đảo đều tay đến khi gạo màu đục đục thì cho thêm nước vào đun sôi.
Khi nồi cháo sôi thì cho tiếp củ hành tây đã thái/băm nhỏ cùng vài cọng hành trắng thái nhỏ vào khuấy đều lên.
Tiếp tục đun đến khi hạt gạo và nếp mềm thì cho cà rốt và gừng vào đun. Mẹ nhớ khuấy đều tay để tránh cháo bị khê dưới đáy nồi.
Khi tất cả chín mềm thì đổ cá vào đảo đều lên và đun đến khi nồi cháo sôi một lúc thì tắt bếp. Đổ cháo vào bát và cho bé thưởng thức khi còn nóng ấm.
Súp tôm cua
Mẹ có thể thay đổi nấu súp hải sản cho bé thưởng thức thay vì nấu cháo bằng cách kết hợp linh hoạt linh hoạt các loại nguyên liệu với nhau, đảm bảo bé sẽ mê ngay những món súp này.
Nguyên liệu:
1 lít nước dùng xương
50 gam tôm bóc nõn, băm nhuyễn
50 gam thịt cua
50 gam thịt gà xé nhỏ
30 gam bắp hạt, 20 gam đậu Hà Lan, 1 quả trứng
3 thìa bột năng, gia vị
Cách làm:
Đun sôi nước dùng, cho lần lượt, tôm cua, thịt gà, ngô, đậu Hà Lan vào nấu chín. Nêm gia vị vừa ăn.
Hòa bột năng với nước lạnh. Khi thấy hỗn hợp đã chín mềm đổ từ từ bột năng vào, dùng thìa đảo đều tới khi nồi súp sánh mịn. Tiếp tục đánh tan trứng, cho vào nồi súp và đảo đều. Để nồi súp sôi trở lại thì nêm gia vị, tắt bếp.
Súp cua măng tây
Nguyên liệu:
1 con cua (tùy độ tuổi của trẻ mẹ sử dụng định lượng phù hợp)
200 gam măng tây, 1 lòng trắng trứng gà
1 thìa bột năng, gia vị
Thực hiện:
Cua sơ chế, luộc chín sau đó lấy thịt, gạch cua. Măng tây cắt bỏ phần già, tước phần xơ cứng, rửa sạch, thái chéo mỏng.
Phi thơm hành và cho cua vào đảo đều, đổ nước vào, nêm gia vị và đun sôi. Tiếp tục cho măng tây vào đun sôi trong 3 phút.
Hòa bột năng cùng nước lạnh, lòng trắng trứng đánh tan. Từ từ đổ hai hỗn hợp này vào nồi súp, đảo đều tới khi sánh mịn. Nêm gia vị, tắt bếp.
Cho trẻ em ăn hải sản sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển của bé. Vì vậy, cha mẹ đừng quên thêm và chế biến hải sản thành những món ngon, hấp dẫn cho bé thưởng thức hằng ngày.