Nội dung bài viết:
- Vì sao cách người Do Thái dạy con lại đặc biệt?
- Cách dạy con của người Do Thái dựa trên quan điểm nào?
- Cách dạy con của người Do Thái: Không áp đặt, hãy dẫn dắt
- Tập cho con tính tự lập
- Dạy con tiếp xúc với tiền từ sớm
- Luôn đặt câu hỏi cho con thay vì cho trẻ câu trả lời một cách nhanh chóng
- Hình thành thói quen đọc sách và tình yêu đối với sách vở
- Trừng phạt con hợp lí
- Hai cái tai luôn nhiều hơn một cái miệng
Vì sao cách người Do Thái dạy con lại đặc biệt?
Do Thái là một trong những dân tộc ưu tú và xuất sắc trên thế giới. Dân tộc này đã sản sinh ra những danh nhân vĩ đại, thành đạt và là dân tộc thông thạo nhiều ngoại ngữ nhất.
Chỉ chiếm 0.02% dân số thế giới, thế nhưng người Do Thái đã dành tới hơn 100 giải Nobel ở nhiều lĩnh vực với tỉ lệ 11% trên toàn thế giới. Đây là một con số đáng nể mà khó có chủng tộc nào có thể vượt qua.
Không chỉ có vậy, rất nhiều tỉ phú nổi tiếng thế giới là người Do Thái. Số lượng bằng phát minh, bằng sáng chế của các nhà khoa học và kĩ sư người Do Thái đang nắm giữ sẽ khiến nhiều người phải giật mình.
Các nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng: người Do Thái rất coi trọng giáo dục trong gia đình, họ rất quan tâm đến thuyết Thai Giáo Học và Giáo Dục Sớm. Điều đặc biệt hơn là những phương pháp này đã được lưu truyền trong kinh Torah và kinh Talmud của người Do Thái từ rất lâu đời.
Cách dạy con của người Do Thái dựa trên quan điểm nào?
Theo nhà giáo dục người Do Thái – Bawe: “Trong cuộc đời con người không có gì quan trọng hơn là giáo dục trẻ từ nhỏ, chúng ta nên tìm mọi cách để trí tuệ, khả năng của trẻ được phát huy tối đa”.
Vì vậy, cha mẹ người Do Thái qua nhiều thế hệ luôn coi trọng sự phát triển tiềm năng của con người, chú trọng việc bồi dưỡng khả năng thiên phú cho con và cho rằng trẻ từ 0 - 6 tuổi là thời kỳ đại não phát triển nhanh nhất, trẻ tiếp thu kiến thức nhanh nhất, việc giáo dục sớm sẽ giúp trẻ phát triển nhanh, đặt nền tảng vững chắc cho con sau này.
Người Do Thái luôn dạy con: “Người có trí tuệ là người hạnh phúc”, “Địa vị của học thức còn cao hơn địa vị của Quốc vương”, “Khi nhà cháy con nên đem theo trí tuệ”…
Với người Do Thái sách vở chính là “kho báu”. Họ luôn quan tâm giáo dục ngôn ngữ, nhiều loại ngoại ngữ, rèn luyện khả năng ghi nhớ cho trẻ từ rất nhỏ, luôn dành thời gian giải đáp mọi thắc mắc, kích thích trẻ hứng thú học tập và tìm hiểu kiến thức ở thế giới xung quanh.
Gần đây một số nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng chính việc sử dụng nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, nói ngôn ngữ đan xen đã kích hoạt sự kết nối các nơ-ron thần kinh trong não bộ của trẻ.
Cách dạy con của người Do Thái: Không áp đặt, hãy dẫn dắt
Tác giả Michael Nahari Larkin B.Ed cho rằng: mô hình “giáo dục một chiều” - cha mẹ, thầy cô luôn ra lệnh cho trẻ mà không hiểu đứa bé đang thực sự muốn gì là một phương pháp “phản giáo dục”.
Dù là ở trường hay ở nhà, chúng ta phải lấy đứa trẻ làm trung tâm cho việc dạy và học. Trước khi lên kế hoạch dạy điều gì và dạy như thế nào, hãy thử tìm hiểu xem bé muốn gì và dạy theo thiên hướng của trẻ.
Cốt lõi của giáo dục chính là sự dẫn dắt đúng hướng, hãy dựa vào cá tính của trẻ để lôi kéo sự chú ý của con đến những điều mà cha mẹ muốn dạy.
Nếu con thích học vẽ, thay vì bắt trẻ ngồi vào bàn và cầm cây bút màu, cha mẹ có thể lấy giấy ra để vẽ và hỏi xem bé có muốn tham gia không? Sự hào hứng của cha mẹ lúc vẽ tranh sẽ truyền cho con trẻ một nguồn năng lượng tích cực.
Sự áp đặt của cha mẹ cũng như thầy cô sẽ gây nên sự nhàm chán. Từ sự chán nản sẽ dẫn đến các biểu hiện tiêu cực hơn như: chống đối, không hợp tác, nghịch ngợm, quậy phá... Vì vậy, sự tương tác hai chiều là rất cần thiết trong quá trình dạy và học của người Do Thái.
Tập cho con tính tự lập
Trong cách dạy con của người Do Thái không tồn tại suy nghĩ: “con còn quá bé, chẳng thể làm nổi việc gì” và làm hết mọi thứ cho con. Nên bắt đầu bằng sự tôn trọng và trao cho trẻ quyền làm những gì mà bé thích trong một khuôn khổ nhất định.
Dạy con tự lập ngay từ khi còn nhỏ để giúp con trưởng thành. Đến với bất kỳ quán cafe nào ở Israel, không khó để bắt gặp những trẻ em Do Thái tự ngồi ăn bít tết một mình dù mới chỉ khoảng 1 tuổi.
Thay vì chọn sẵn cho con quần áo để đi chơi công viên, hãy để bé chọn mặc những gì mà bé thích. Người Do Thái có một quan niệm rất hay rằng: “chỉ những đứa trẻ tự lập và biết mình muốn gì mới có thể sáng tạo được”.
Tin tưởng và dựa vào bản thân là biểu hiện cao nhất của sự tự lập, nó giúp trẻ không lùi bước trước khó khăn và dũng cảm tiến về phía trước, tự lập giúp trẻ mạnh dạn, nỗ lực vươn tới thành công và để đạt được ước mơ.
Dạy con tiếp xúc với tiền từ sớm
Thay vì cho tiền, cha mẹ người Do Thái sẽ dạy trẻ cách kiếm tiền từ sớm. Giúp hình thành khái niệm về trách nhiệm và sự trân trọng đồng tiền, trân trọng sức lao động: “không có bữa ăn nào là miễn phí”.
Từ lúc 3-4 tuổi, đa số trẻ em Do Thái đều đã được học cách nhận biết đồng tiền, được giảng giải để hiểu về giá trị và công dụng của đồng tiền, được giáo dục cách chi tiêu và được dạy cách lập dự toán kế hoạch chi tiêu trong gia đình.
Với họ 5 tuổi là giai đoạn thích hợp nhất để trẻ “làm thêm” việc nhà để kiếm tiền, họ có bảng phân công việc nhà hàng ngày cho trẻ, sau mỗi công việc có ghi số tiền thưởng. Tất nhiên không phải tất cả việc nhà đều được nhận tiền thưởng vì một số công việc thuộc về trách nhiệm của trẻ như giặt quần áo nhỏ của mình, thu dọn, sắp xếp sách vở.
Cha mẹ người Do Thái thường dạy con rằng: “Không nên phân biệt tiền nhiều hay ít, món tiền nhiều cũng được tạo nên bởi những món tiền nhỏ, chỉ cần kiếm tiền một cách hợp pháp thì 1 đô la cũng cần kiếm”.
Luôn đặt câu hỏi cho con thay vì cho trẻ câu trả lời một cách nhanh chóng
Đặt câu hỏi trong quá trình học tập chứng tỏ trẻ có suy nghĩ, nếu bản thân trẻ tự tìm ra đáp án đúng sẽ kích thích sự say mê học tập, kích thích sự phát triển tư duy của trẻ.
Khi con có bất kỳ thắc mắc nào, các bậc cha mẹ người Do Thái thay vì trả lời ngay, họ sẽ đặt ra những câu hỏi ngược lại, buộc trẻ phải động não suy nghĩ trước khi cho con câu trả lời cuối cùng.
Hình thành thói quen đọc sách và tình yêu đối với sách vở
Với người Do Thái, không có con đường nào dẫn đến thành công ngoài sách. Tài sản lớn nhất của người Do Thái là sách vở, đó là lý do hầu hết những đứa trẻ Do Thái đều có tình yêu đối với sách và xem sách là những “món ăn ngọt ngào”.
Họ luôn dạy con cái “nếu nhà mình bị cháy, con cần mang theo trí tuệ của mình, vì trí tuệ sẽ mãi mãi ở bên cạnh con, không ai có thể lấy trí tuệ của con”, dạy con cái biết quý trong sách vở, chăm chỉ học hành để có kiến thức uyên bác.
Đặt tủ sách ở đầu giường là truyền thống, là thái độ sùng kính đối với sách và cũng giúp họ đọc sách thường xuyên hơn. Cha mẹ Do Thái luôn muốn con cái ham đọc sách từ nhỏ và muốn trẻ giữ được đam mê này.
Vào mỗi buổi tối, cả gia đình thường ngồi đọc sách, đặt mua định kì tạp chí hoặc báo, đồng thời giám sát việc đọc của trẻ, hàng tuần đưa trẻ đến thư viện, bảo tàng, triển lãm để tăng kiến thức và hứng thú học tập.
Ngoài ra, cha mẹ người Do Thái luôn là tấm gương tốt để truyền đạt kiến thức và hứng thú đọc sách cho con cái.
Trừng phạt con hợp lí
Trẻ còn nhỏ không tránh khỏi những sai sót, việc nhắc nhở và trừng phạt là cần thiết. Tuy nhiên không được thiếu tôn trọng trẻ, không được trách mắng mù quáng vì trừng phạt không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của trẻ.
Cha mẹ người Do Thái luôn đặt và trả lời 10 câu hỏi trước khi trừng phạt trẻ:
1. Mục đích của sự trừng phạt này là gì?
2. Cách phạt này có ngăn chặn được hành vi không đúng của trẻ không?
3. Cách phạt này có giúp trẻ hiểu được hành vi sai trái của mình không?
4. Tại sao mình lại trừng phạt con, có phải vì mình đang tức giận không?
5. Có phải xuất phát từ sự kích động mà mình trừng phạt con không?
6. Khi không tức giận, mình có trừng phạt con như vậy không?
7. Cách phạt này có làm con cảm thấy xấu hổ hoặc tủi thân không?
8. Không còn cách nào khác ư?
9. Cách trừng phạt này là một phần của kế hoạch ư?
10. Có phải mình luôn trừng phạt con như vậy?
Hai cái tai luôn nhiều hơn một cái miệng
“Thượng đế tạo cho con người 2 cái tai, 1 cái miệng, là để chúng ta nói ít, nghe nhiều”… lời nói đúng mực như liều thuốc tốt, nhưng nói quá nhiều thì tác dụng ngược lại, không có ích mà còn làm hại bản thân.
Cha mẹ người Do Thái thường dạy con cái không tùy tiện đánh giá người khác, dạy con ý nghĩa và cách thức lắng nghe để được người khác tin cậy. Nghệ thuật lắng nghe cũng được đưa vào dạy từ sớm trong những cách dạy con của người Do Thái.
Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ Do Thái đã được cha mẹ tôi luyện để trở thành người thành đạt. Cách dạy con của người Do Thái thực sự đã tạo nên một dân tộc khác biệt, đáng được các dân tộc khác trên thế giới học hỏi.