Nội dung bài viết
Để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc cha mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức và hiểu biết về căn bệnh này đề phòng việc trẻ bị viêm amidan có mủ để biết cách xử lý cho phù hợp.
1. Viêm amidan là gì?
Amidan nằm ở trong miệng của trẻ, bao gồm nhiều múi chia làm nhiều ngăn và hốc.
Bình thường, amidan có chức năng miễn dịch sản xuất các kháng thể để chống lại các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp và đường ăn uống. Vì amidan có cấu trúc nhiều ngăn, nhiều hốc nên vi khuẩn dễ xâm nhập, lưu trú lâu ngày tạo nên những khối mủ màu trắng gây viêm tại chỗ.
Viêm amidan có mủ hay còn gọi là viêm amidan hốc mủ là tình trạng viêm thể nặng hình thành nên mủ có màu trắng. Tình trạng càng nặng thì trong miệng càng xuất hiện nhiều chấm trắng trên amidan. Việc nhai nuốt và những cọ sát qua thành họng sẽ khiến cho các kén mủ bật ra có hình dạng màu trắng hoặc xanh như mủ, có mùi hôi khó chịu.
2. Nguyên nhân trẻ bị viêm amidan
- Trẻ bị viêm amidan có mủ đa phần là do thời tiết thay đổi, sức đề kháng yếu nhất là lúc giao mùa, thời tiết khô lạnh sẽ khiến cho đường hô hấp dễ bị nhiễm khuẩn, amidan phải bảo vệ cho đường hô hấp nên có thể bị nhiễm trùng, sưng to gây nên hiện tượng viêm amidan.
- Trẻ vệ sinh không sạch sẽ, tay chân dính bẩn nhiều vi khuẩn rồi cho vào miệng đồng nghĩa với việc đưa các vi khuẩn gây bệnh vào cơ thể. Amidan lúc này phải tăng cường hoạt động để bảo vệ cơ thể tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh nên có viêm sưng to, gây mủ.
- Ngoài ra do cấu trúc của amidan nhiều hốc, nhiều vách ngăn, trong khi đó amidan lại nằm ngay nơi giao nhau giữa đường thở và đường ăn uống, thức ăn dễ bị tích tụ ở dẫn đến vi khuẩn cũng dễ dàng tấn công và bám trên đó, tạo thành hốc mủ và vón cục. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ em bị viêm amidan có mủ.
3. Những triệu chứng khi bị viêm amidan có mủ
- Cũng giống như các bệnh viêm nhiễm khác, khi trẻ bị viêm amidan có mủ thường triệu chứng đầu tiên là sốt. Có khi sốt rất cao lên tới 39 - 40 độ C.
- Trẻ ho và có đờm giống như các bệnh về tai mũi họng khác. Điểm khác biệt ở chỗ là trẻ sẽ bị ho ra những hạt nhỏ màu trắng xanh như hạt tấm, có mùi rất hôi.
-Trẻ đau rát họng, khó nhai nuốt, có cảm giác vướng ở cổ, đắng miệng gây nên chán ăn, bỏ ăn hoặc nôn trớ.
- Trẻ thở khò khè, thở bằng miệng khi ngủ, hơi thở khó khăn.
- Trẻ khó khạc ra đờm, giọng nói khàn, có thể mất tiếng.
- Trẻ có thể bị nổi hạch dưới hàm, cổ.
- Khi khám họng sẽ thấy cổ họng bị sưng đỏ, niêm mạc sưng, amidan sưng to, bề mặt amidan có các chấm mủ trắng hoặc từng mảng bựa trắng.
4. Những biến chứng của bệnh viêm amidan có mủ
Bệnh viêm amidan có mủ thường gặp phổ biến ở trẻ nên các bậc phụ huynh thường chủ quan, không đề phòng hoặc coi nhẹ căn bệnh này. Tuy nhiên, nó lại gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm nếu như không được điều trị kịp thời. Một số biến chứng có thể kể ra là:
- Viêm sưng tấy quanh amidan.
- Viêm tấy hạch cổ, hạch dưới hàm hoặc bên trong hạch.
- Nhiễm khuẩn mủ huyết.
- Có thể gây viêm nội tâm mạch, viêm khớp, viêm cầu thận.
5. Hướng điều trị viêm amidan có mủ ở trẻ
5.1. Xử lý khi trẻ bị sốt cao:
Trẻ bị viêm amidan có mủ thường có biểu hiện đầu tiên là sốt cao. Lúc này mẹ cần biết cách hạ sốt cho trẻ. Nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thực hiện chườm ấm cho trẻ hoặc sử dụng đến thuốc hạ sốt nếu cần.
Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, mẹ nên sử dụng phương pháp chườm ấm cho trẻ. Để trẻ ở phòng thoáng mát và kín gió. Cởi quần áo. Lấy 5 cái khăn xô nhúng nước ấm đặt vào 2 bên, 2 nách, trán cho trẻ. Thay liên tục cho đến khi bé hạ về thân nhiệt bình thường. Tuyệt đối không chườm nước đá sẽ gây co mạch ngoại vi rất nguy hiểm.
Nếu trẻ sốt trên 39 độ C thì cho uống thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn sử dụng. Có thể kết hợp chườm ấm.
5.2. Có nên dùng thuốc kháng sinh khi trẻ bị viêm amidan có mủ?
Việc dùng thuốc kháng sinh hay không là do bác sĩ chỉ định. Mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh không đúng chỉ định sẽ gây kéo dài thời gian gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
Thường ban đầu bác sĩ sẽ chỉ định trẻ dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, kháng viêm, sát khuẩn tại chỗ và nước muối súc miệng hàng ngày.
Việc điều trị bằng thuốc kháng sinh sẽ có hiệu quả tức thì, giảm ngay được các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, bạn phải cho uống đúng và đủ liều như chỉ định của bác sĩ. Không nên thấy biểu hiện đã nhẹ thì dừng thuốc sẽ khiến cho bệnh trở nặng thêm. Cũng như sử dụng thuốc quá liều sẽ gây hiện tượng lờn thuốc. Những lần sau bị bệnh sẽ rất khó trị khỏi.
Các bác sĩ có thể sẽ chỉ định trẻ cắt amidan khi trẻ bị viêm quá nhiều lần trong năm, từ 3 - 5 lần; hơi thở có mùi hôi do vi khuẩn yếm khí Weillon; trẻ có những biến chứng tại chỗ như: viêm tấy, áp xe quanh amidan, có các biến chứng viêm xoang, viêm thanh quản; viêm phế quản, biến chứng toàn thân như: viêm cầu thận, thấp tim, thấp khớp cấp...
5.3. Bài thuốc dân gian trị viêm amidan có mủ ở trẻ
Ngoài việc sử dụng các thuốc Tây y thì mẹ cũng có thể sử dụng bài thuốc dân gian để trị căn bệnh này. Đặc biệt, trong giai đoạn khởi phát, bị viêm nhẹ thì có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Mẹ có thể sử dụng chanh, mật ong, muối để làm nước súc miệng cho bé hằng ngày vừa có tác dụng sát khuẩn lại kháng viêm và giúp amidan bớt sưng, giảm đau hiệu quả.
6. Trẻ bị viêm amidan có mủ nên ăn gì?
Những thực phẩm trẻ có thể ăn khi bị viêm amidan có mủ là:
- Súp gà: Súp gà lỏng, dễ nuốt, có đặc tính chống viêm, làm hanh thông đường thở giúp giảm các triệu chứng của viêm amidan có mủ.
- Nghệ, mật ong, gừng: Đây là những nguyên liệu có đặc tính kháng viêm kháng khuẩn rất tốt để điều trị các chứng viêm nhiễm.
- Rau củ nấu chín như: Cà rốt, bắp cải, khoai tây và các loại rau củ khác cung cấp nhiều vitamin nâng cao sức đề kháng.
Bên cạnh đó bạn cũng nên tránh cho trẻ ăn những thức ăn quá lạnh, đông đá, kem; những thực phẩm có tính axit, chua gây kích ứng chỗ bị viêm nhiễm; những loại thức ăn cứng gây đau khi ăn; những thực phẩm có tính cay nóng...
7. Biện pháp phòng ngừa
Bệnh tuy nguy hiểm nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa được cho trẻ bằng cách:
- Vệ sinh hằng ngày cho trẻ, đánh răng và súc miệng mỗi tối và sáng, rửa tay trước và sau khi ăn.
- Giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang tránh bụi bẩn.
- Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, tránh các thực phẩm quá lạnh.
- Tập thể dục và thể thao để nâng cao sức khỏe.
Trẻ bị viêm amidan có mủ thường gặp khi thay đổi thời tiết. Vì vậy cha mẹ cần đề phòng trong khoảng thời gian này, cho trẻ ăn uống đủ chất và vệ sinh sạch sẽ, nắm vững những kiến thức cần thiết về căn bệnh này để đề phòng và có hướng điều trị kịp thời tránh gặp phải những hậu quả không mong muốn.