Bão Bebinca có vào Việt Nam không?
Báo Người lao động dẫn theo Cơ quan Thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PAGASA) ngày 12/9 cho biết cơn bão Bebinca hiện nằm cách Trung Luzon 1.975 km về phía Đông và vẫn nằm ngoài Khu vực trách nhiệm của Philippines (PAR).
Tờ Rappler đưa tin cơn bão đang di chuyển về phía Bắc với tốc độ tương đối nhanh 30 km/h, tiếp tục có sức gió mạnh nhất duy trì 95 km/h và giật tới 115 km/h. Bebinca được dự đoán sẽ mạnh lên thành cuồng phong vào tối 13/9 (giờ địa phương).
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ghi nhận tính đến chiều tối 12/9 (giờ địa phương), Bebinca ở phía Đông Philippines đang di chuyển về phía Bắc - Tây Bắc với tốc độ khoảng 25 km/giờ và sức gió lên tới 126 km/giờ.
Theo Kyodo, cơn bão dự kiến đổ bộ vào phía Nam đảo Okinawa và khu vực đảo Amami ở phía Tây Nam Nhật Bản vào cuối tuần này. Giới chức cảnh báo cơn bão số 13 trong năm 2024 của nước này có thể mang theo gió mạnh và biển động ở một số khu vực, ngoài ra còn có nguy cơ lũ lụt, lở đất, thủy triều và mực nước sông dâng cao.
Bloomberg đưa tin, bão Bebinca dự báo đổ bộ vào bờ biển phía Đông Trung Quốc, ở các khu vực ven biển giữa tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến, vào sáng sớm 16/9 (giờ địa phương).
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết Bebinca, với tên địa phương là Beibijia, sẽ đổ bộ vào đất liền với cường độ bão cấp 2 theo thang Saffir-Simpson năm cấp. Cơn bão có thể gây ra mưa lớn, dẫn tới khả năng ảnh hưởng tới các nhà máy lọc dầu và kho cảng nhập LNG, cũng như làm tê liệt hoạt động vận tải.
Biển Đông gió giật cấp 8, có khu vực sóng cao 4 mét
Ở vùng biển nước ta, theo TTKTTV Quốc gia, Huyền Trân có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; ở Phú Quý có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6; Phú Quốc có gió giật mạnh cấp 8.
Vùng biển phía Đông Nam của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông.
Ngoài ra, ngày và đêm 13/9, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang, vịnh Thái Lan, vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2.0m.
Cảnh báo
Ngày và đêm 14/9, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 2,0-4,0m. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Dự báo tác động
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.