Nội dung bài viết
Nguyên nhân trẻ bị sốt và đi ngoài
Trẻ bị sốt và đi ngoài là một trong những dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy cấp. Có khá nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt cao kèm đi ngoài, thông thường là do trẻ ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn hay độc tố vi khuẩn. Ngoài ra, trẻ có thể mắc bệnh tiêu chảy cấp do virus như virus Rota.
Đây là hai nguyên nhân chính gây bệnh của trẻ, bên cạnh đó mẹ chú ý một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiêu chảy để phòng tránh:
- Tiêu chảy do dị ứng thức ăn như sữa bò, trứng, tôm cá…
- Nhiễm trùng ngoài ruột: nhiễm trùng hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiểu, viêm màng não.
- Trẻ suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, sau sởi, AIDS…
- Do các thói quen như bú bình, không nuôi con bằng sữa mẹ 4 – 6 tháng đầu. Thức ăn, nước uống bị ô nhiễm, không ăn chín uống sôi, dọn dẹp phân trẻ không sạch sẽ…
Dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy cấp
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều nước hơn 3 lần trong vòng 24 giờ. Tiêu chảy cấp là tiêu chảy khởi đầu cấp tính và kéo dài không quá 14 ngày.
Thông thường, ở trẻ dưới 1 tuổi, tiêu chảy được định nghĩa khi trẻ đi tiêu gấp đôi số lần đi tiêu bình thường. Đối với trẻ trên 1 tuổi, là khi trẻ đi tiêu phân lỏng nước từ 3 lần một ngày trở lên. Phân trong tiêu chảy cấp thường lỏng nhiều, có nhiều nước, mùi hôi tanh.
Bên cạnh đó, vì đây là một hiện tượng bệnh đường ruột, trẻ sẽ có thêm những triệu chứng khác, như mệt, quấy khóc nhiều, sốt, buồn nôn và nôn, đau bụng,..
Một số trẻ bị sốt và tiêu chảy khi mọc răng, tuy nhiên cha mẹ cần phân biệt sốt do tiêu chảy và sốt do mọc răng để có phương án điều trị chính xác. Các đặc điểm phân biệt hai trường hợp này như sau:
- Tình trạng phân: Trẻ mọc răng bị sốt và đi ngoài nhiều lần/ngày, phân có mùi chua, không kèm nhầy hoặc máu… Nếu trẻ bị tiêu chảy do vi khuẩn hoặc rối loạn tiêu hoá thường đi phân lỏng, có mùi chua, kèm nhầy, sủi bọt, đôi khi kèm cả máu.
- Thời gian bệnh: Trẻ bị sốt và đi ngoài do mọc răng thì chỉ bị tiêu chảy trong vòng 2 – 3 ngày và tự khỏi khi răng nhú lên. Trẻ bị tiêu chảy có biểu hiện đi ngoài quá 4 ngày, có khi cả tháng trời nếu điều trị không đúng cách.
- Sốt: Trẻ sốt do mọc răng chỉ sốt nhẹ dưới 38,5 độ C. Bé bị tiêu chảy kèm sốt cao trên 39 độ C, trẻ bị sốt cao trở lại mặc dù đã uống thuốc hạ sốt.
Cha mẹ nên làm gì ở nhà khi trẻ bị sốt và đi ngoài?
Bệnh tiêu chảy cấp thường có biểu hiện bệnh ồ ạt, đặc biệt trong 48 – 72 giờ đầu của bệnh. Trẻ sẽ có biểu hiện đi tiêu nhiều lần trong ngày, sốt, đau bụng, nôn ói nhiều lần, đừ người…
Sau 2 – 3 ngày ồ ạt, các triệu chứng thường sẽ cải thiện nhanh và đáng kể. Sau ngày thứ 5, hoạt động đường ruột và tình trạng phân sẽ trở về trạng thái bình thường.
Vì vậy, khi gặp trường hợp con nóng sốt kèm tiêu chảy, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ hạ sốt và bù nước, bù điện giải để cải thiện tình hình và giúp con nhanh chóng khỏi bệnh.
Cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để phòng mất nước
Khi trẻ bị tiêu chảy sẽ bị mất nước vì vậy cách điều trị nhanh chóng và hiệu quả nhất là cho trẻ uống oresol. Các bậc phụ huynh lưu ý về cách sử dụng oresol cho trẻ như sau:
- Cách pha Oresol: Cần pha đúng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm, chỉ pha với nước đã đun sôi, không pha với các loại nước khác. Lưu ý cần phải pha đúng tỷ lệ, tuyệt đối không được pha ít nước hơn so với hướng dẫn.
- Cách cho trẻ uống: Cho trẻ uống chậm, uống thay nước, thường uống từ 50 - 100ml (tương đương khoảng 10 - 20 muỗng cà phê) sau mỗi lần trẻ tiêu chảy.
- Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể thay Oresol bằng nước dừa, nước cơm, nước súp
- Nếu trẻ từ chối uống hoặc bị ói ngay sau khi uống thì cần phải theo dõi sát tình trạng mất nước của trẻ.
Hạ sốt cho trẻ
Khi mẹ cảm thấy thân nhiệt con tăng cao, hãy dùng nhiệt kế để kiểm tra. Khoảng 38 độ C là trẻ sốt nhẹ, trên 38 độ C là trẻ sốt cao. Cách hạ sốt là mẹ có thể dùng nước ấm để lau cho con hạ sốt, tránh dùng nước quá nóng hoặc nước quá lạnh.
Nếu con sốt ở 38,5 độ C, chúng ta có thể dùng Paracetamol để hạ sốt, liều lượng 10-15mg cho một kg cân nặng, cứ 4 giờ cho uống một lần. Nếu bé sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc.
Sử dụng thuốc
Thuốc kháng sinh: Không cần thiết vì chủ yếu tiêu chảy là do virus, thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn vì vậy nó không có tác dụng khi trẻ bị đi ngoài nhiều lần trong ngày.
Thuốc kháng tiêu chảy: Không cần thiết phải sử dụng thuốc kháng tiêu chảy vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc cầm tiêu chảy sẽ che mất các triệu chứng, từ đó dẫn tới việc điều trị chậm trễ, tình trạng bệnh kéo dài.
Men vi sinh probiotics: Men vi sinh giúp cung cấp hệ vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, làm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột từ đó giúp bé mau chóng khỏi tiêu chảy kèm sốt.
Kẽm: Đối với trẻ em bị giảm cân nặng, trẻ trong đợt tiêu chảy cấp thì có nguy cơ bị thiếu kẽm vì vậy cần bổ sung kẽm cho trẻ. Ngoài ra, kẽm còn có tác dụng làm giảm tái phát đợt tiêu chảy tiếp theo trong nhiều tháng sau đó.
Trẻ bị sốt và đi ngoài nên ăn gì cho nhanh khỏi bệnh cũng là thắc mắc của nhiều phụ huynh. Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ thì vẫn cho trẻ bú mẹ bình thường và tăng cữ bú sẽ giúp trẻ giảm thiểu tình trạng đi ngoài đồng thời bù lại lượng nước mất do tiêu chảy.
Đối với trẻ ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé ăn các món được chế biến dưới dạng mềm, dễ tiêu hoá như cháo (cháo thịt gà băm nhỏ có tác dụng tốt trong quá trình điều trị tiêu chảy), súp, các món ninh, hầm nhừ, cơm nát.
Những thực phẩm mẹ nên bổ sung cho trẻ như: khoai tây, thịt gà, thịt nạc, sữa chua, sữa đậu nành, cà rốt, chuối, hồng xiêm, táo… là thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hoá của trẻ.
Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khoẻ, mẹ cũng cần lưu ý những thực phẩm không nên cho trẻ ăn khi trẻ bị đi ngoài như: Đồ ăn chứa nhiều đường, bánh, kẹo, nem chua, rau sống…
Bệnh tiêu chảy ở trẻ dễ chữa và thường tự khỏi sau vài ngày nhưng cũng thường có những biến chứng nguy hiểm nếu như chúng ta không biết cách chăm sóc đúng cách. Nếu trẻ có những dấu hiệu nặng như sốt liên tục, co giật, đi phân ra máu… nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.