Nội dung bài viết:
Quá trình phát triển của trẻ
Mỗi bé có sự phát triển không giống nhau, có bé biết nói sớm, có bé lười tập nói, biết nói muộn hơn. Đây là điều hoàn toàn bình thường, bố mẹ không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, khi bé đã bước qua cột mốc phát triển ngôn ngữ bình thường quá lâu mà vẫn chưa thể giao tiếp, nói chuyện bình thường như những bé khác thì bố mẹ cần đặc biệt chú ý theo dõi và áp dùng các cách dạy con tập nói hiệu quả. Sau đây là các giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường:
Từ 3 - 6 tháng tuổi
Bé từ 3 - 6 tháng tuổi đã biết cười, biết hóng chuyện, chăm chú lắng nghe khi mọi người xung quanh nói chuyện. Khi được 5 - 6 tháng tuổi, bé bắt đầu biết ê, a… để nói chuyện và thể hiện cảm xúc.
Từ 6 - 9 tháng tuổi
Bé bắt đầu phát âm những từ có 2 âm tiết đơn giản như: ma ma, ba ba… Đồng thời bé sẽ bập bẹ nói chuyện với người quen, bắt chước lại âm thanh mọi người xung quanh.
Từ 9 - 12 tháng tuổi
Bé có thể phát âm được những câu dài nhưng chưa rõ ràng, chỉ gồm những tiếng ê, a hoặc phát ra âm có ngữ điệu… Một số bé phát triển nhanh có thể nói được khoảng 3 từ. Bé cũng bắt chước cử động miệng của người lớn.
Từ 12 - 15 tháng tuổi
Bé có thể nói được câu khoảng 4 từ. Ở giai đoạn này, bé cũng biết cách ghép và sắp xếp các từ thành câu đúng trật tự.
Bé 2 tuổi
Bé biết khoảng 50 - 75 từ, biết xâu chuỗi các từ lại thành cụm từ, câu. Bé biết chào mọi người, biết từ chối khi không thích. Giai đoạn này là giai đoạn bé đang phát triển ngôn ngữ, bố mẹ cần kiên nhẫn dạy bé ngữ pháp và bổ sung từ vựng cho bé.
Từ 2.5 - 4 tuổi
Bé sử dụng các câu dài hơn, thường trên 3 từ. Vốn từ vựng của bé khoảng từ 300 - 1000 từ. Bé rất thích nói và ca hát, có khả năng đặt câu hỏi đơn giản và trả lời các câu hỏi của bố mẹ.
Nhận thức của một em bé 2 tuổi
Thông thường, với trẻ từ 21 - 23 tháng tuổi, ngôn ngữ cũng như nhận thức đạt được ở mốc sau:
- Nhận biết chính xác những đồ vật để trước bé mỗi ngày.
- Phối hợp được nhiều từ khác nhau, có thể chưa đúng.
- Nói gần hết các từ nhưng thường nhầm lẫn hoặc mất phụ âm nào đó như là “th”.
- Nói được tên của bộ phận chính cơ thể.
- Chú ý lắng nghe người khác nói chuyện với nhau.
- Nói được ít nhất 200 từ khác nhau, thường kết hợp trong những câu ngắn.
Biểu hiện chậm nói ở trẻ 2 tuổi
Bố mẹ cần đưa bé đi khám khi bé có một trong các biểu hiện chậm nói sau:
- Bé không lặp lại và bắt chước lời nói của mọi người.
- Bé không hiểu các yêu cầu đơn giản từ người lớn.
- Bé không thể phát âm tối thiểu 6 từ khác nhau.
- Bé chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động mà không thể tự phát âm các từ, cụm từ.
- Bé chỉ nói một số từ lặp đi lặp lại và không thể giao tiếp để thể hiện những nhu cầu thiết yếu.
- Người lớn không hiểu bé nói gì.
Cách dạy bé 2 tuổi tập nói
Dạy trẻ 2 tuổi tập nói khi làm việc nhà
Buổi sáng, khi trẻ thức giấc, mẹ có thể ôm bé dậy và nói: “Trời sáng rồi, dậy thôi”, rồi khuyến khích trẻ lặp lại câu nói, vài ngày như vậy trẻ sẽ quen, sau đó cả mẹ và bé cùng đồng thanh nói vào mỗi sáng.
Khi bé nói được nhiều hơn, mẹ có thể nói “Ò ó o gà đã gáy, trời sáng rồi, dậy thôi”… Bé rất thích bắt chước và lặp lại tiếng kêu của động vật.
Khi dạy trẻ 2 tuổi tập nói, mẹ có thể vừa làm việc nhà, vừa dạy bé bằng cách nói cho bé biết mình đang làm gì như: “Mẹ đi giặt quần áo” và cho bé nhìn mẹ làm việc. Mẹ cũng có thể vừa giặt, vừa nói cho bé biết giặt quần áo để làm gì… sau đó hỏi lại, để bé trả lời.
Dạy trẻ 2 tuổi tập nói khi đi siêu thị
Ba mẹ có thể cho bé đi siêu thị, cho bé chơi trò chơi, vừa chơi vừa dạy bé nói. Ví dụ khi chơi trong nhà banh, mẹ cầm các quả bóng màu, dạy cho bé biết đó là màu gì…
Khi đến các quầy hàng, mẹ chỉ cho bé tên và công dụng của các đồ vật để bé nhớ và tập nói theo. Sau mỗi lần bé trả lời đúng câu hỏi của ba mẹ, đừng quên khen ngợi, bé sẽ rất hãnh diện và hào hứng trong việc học nói.
Bên cạnh đó, trước khi đi ngủ, ba mẹ nên dành thời gian nói chuyện với bé, cùng bé nhắc lại các hoạt động trong ngày. Ví dụ: “Sáng nay, mẹ dẫn con đi siêu thị, con có nhớ trong siêu thị có những gì không?”
Hãy để bé kể tên các món trong siêu thị mà bạn đã dạy, đây không chỉ là phương pháp dạy trẻ 2 tuổi tập nói hữu hiệu mà còn giúp trẻ tập ghi nhớ, rất tốt cho trẻ sau này.
Dạy trẻ 2 tuổi tập nói chuyện điện thoại
Trẻ em rất thích điện thoại, vì vậy mỗi khi có ông bà hay người thân gọi điện, mẹ có thể bật loa ngoài, đưa cho bé nghe. Mẹ có thể dạy trẻ nói chuyện với người thân bằng cách dạy trẻ lặp lại những gì chúng ta nói như: “Ông bà có khỏe không? Ông bà có nhớ con không?”
Ngoài ra, mẹ có thể chơi trò gọi điện thoại cho bé qua chiếc điện thoại bằng đồ chơi, mẹ và bé sẽ nói chuyện với nhau… bé sẽ rất hào hứng với trò chơi này. Thông qua trò chơi, khả năng nói và đối đáp của bé cũng sẽ ngày càng tốt hơn.
Dạy trẻ 2 tuổi tập nói khi đọc sách, kể chuyện cho bé nghe
Buổi tối, trước khi đi ngủ, ba mẹ hãy đọc sách hay kể một câu chuyện cho bé nghe, đây là một phương pháp cách dạy con nói tiếng việt hiệu quả, bé không chỉ được học nói mà còn học được cách lắng nghe.
Khi ba mẹ đọc sách hay kể chuyện cho bé, đừng quên giải thích thêm giúp bé hiểu hơn về câu chuyện, đây là việc rất hữu ích giúp bé phát triển ngôn ngữ và tư duy. Mỗi câu chuyện nên lặp lại thường xuyên trong vòng 1 tuần, để bé nghe, hiểu và ghi nhớ nội dung.
Sau đó, cha mẹ hãy đặt ra các câu hỏi để hỏi bé về những nhân vật hay những tình tiết trong chuyện và cho bé tự trả lời. Khi bé trả lời đúng, hãy nhiệt tình khen ngợi để khuyến khích và động viên bé cố gắng tập nói tốt hơn.
Dạy trẻ 2 tuổi tập nói khi trò chuyện
Để dạy trẻ 2 tuổi tập nói tốt, tất cả mọi người trong gia đình đều phải thường xuyên nói chuyện với trẻ, chơi cùng trẻ, điều này thật đúng với câu: “Trẻ lên ba, cả nhà tập nói”.
Khi dạy trẻ tập nói, quan trọng nhất là ông bà, cha mẹ không nên bắt chước theo giọng nói ngọng nghịu của trẻ. Hãy phát âm thật chuẩn, nói rõ, nói chậm, để trẻ có thể nghe và hiểu hết được câu nói của cha mẹ.
Muốn dạy trẻ 2 tuổi tập nói hiệu quả, người lớn đừng vội đáp ứng nhu cầu của trẻ khi trẻ chưa yêu cầu, hãy để trẻ tự nói lên yêu cầu của mình như: “Con muốn uống nước”, ba mẹ có thể hỏi lại: “Con muốn uống nước phải không”.
Để trẻ xác nhận lại lần nữa yêu cầu của mình, khi đó hãy cho trẻ uống nước. Đây không chỉ là cách dạy trẻ 2 tuổi tập nói mà còn dạy cho trẻ biết được rằng mình muốn gì, muốn thì phải làm gì để có được điều đó.
Những cách dạy trẻ 2 tuổi chậm nói
Nếu bé bị chậm nói kèm với các dấu hiệu tự kỉ, bố mẹ cần đưa bé đi khám để được chữa trị phù hợp. Với các bé chậm nói bình thường, bố mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau để dạy trẻ chậm nói.
Tích cực nói chuyện với bé
Dù bé không thể nói hay phản ứng, bố mẹ vẫn nên nói chuyện thường xuyên với bé. Việc này sẽ giúp bé cải thiện khả năng ngôn ngữ, giao tiếp và ghi nhớ. Bố mẹ nên tích cực nói với bé mọi lúc mọi nơi, khi đang làm bất cứ việc gì.
Sử dụng hình ảnh trực quan
Khi bé nhìn thấy vật gì hoặc làm hành động gì, bố mẹ hãy miêu tả sự việc bằng 1 - 2 từ đơn giản, giúp bé nhớ từ vựng và học cách phát âm.
Trả lời bé
Mẹ nên quan sát để hiểu bé muốn nói gì và trả lời lại để khuyến khích bé tập nói.
Không bắt chước ngôn ngữ của bé
Khi bé chậm nói hoặc bé phát âm không chuẩn. Bố mẹ không nên bắt chước những câu đó vì dễ khiến bé nghĩ là bé nói đúng. Bố mẹ cần sửa để bé phát âm chuẩn và kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần, bé sẽ có tiến bộ.
Tiếp xúc với nhiều người
Dù trẻ con chưa thể nói chuyện được như người lớn nhưng chúng có ngôn ngữ riêng với nhau. Mẹ hãy tạo cơ hội cho bé gặp gỡ bạn bè cùng tuổi để phát triển khả năng ngôn ngữ, giao tiếp.
Hạn chế cho bé xem ti vi, điện thoại
Xem tivi, điện thoại là cách tương tác một chiều, không hiệu quả cho bé tập nói. Vì vậy trong giai đoạn bé đang phát triển ngôn ngữ, bố mẹ nên hạn chế cho bé sử dụng các thiết bị này. Cố gắng dành nhiều thời gian nói chuyện, tương tác với bé.
Khi dạy trẻ 2 tuổi tập nói, phụ huynh phải kiên nhẫn, dành tình yêu thương cho trẻ, trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm và tin tưởng, phấn khởi, hào hứng hơn trong việc học nói.