Sau một thời gian dài sống rầu rĩ, thu mình, cáu kỉnh khi có người chê còi cọc, tâm trạng của bé H.V ngày càng biến chuyển tốt, tỷ lệ thuận với sự phát triển chiều cao của mình.
5 tháng là... chậm lớn
Chị Q.T.T - mẹ bé V cho biết, năm 2009, con chị chào đời nặng 2,8kg, khỏe mạnh. Cháu phát triển bình thường đến tháng thứ 5, nặng 5kg. Tuy nhiên, từ đó trở đi cháu gần như không tăng lạng nào. Gia đình sốt ruột đã đưa con lên Bệnh viện Nhi T.Ư thăm khám, bác sĩ chẩn đoán suy dinh dưỡng và hẹn 6 tháng nếu không có gì thay đổi thì lên khám lại.
Tuy nhiên, mặc cho chị "nhồi nhét", mỗi bữa, bé V chỉ ăn được... 1 thìa cơm. Hai tuổi mà bé V vẫn chỉ nhỉnh hơn hồi 5 tháng một chút. Lần tái khám, các bác sĩ vẫn không tìm được nguyên nhân.
Con 5 tuổi vẫn "dậm chân tại chỗ", chị T lại cho con lên Viện Dinh dưỡng quốc gia khám. Chị được bác sĩ kê cho nhiều thuốc bổ, sữa dinh dưỡng để cho con tăng cân. Nhưng 3 tháng sau, con chị tăng... 3 lạng. Năm con 6 tuổi, chị T lại cắn răng đưa con lên khám lại tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Một lần nữa, kết luận "sức khỏe bình thường" của con khiến chị T tuyệt vọng.
Còi cọc, yếu ớt như đứa trẻ hơn 1 tuổi, bé V khi 6 tuổi vẫn chưa tự chủ được vệ sinh, chưa tự chăm sóc bản thân, đi không vững, mẹ phải thường xuyên ở cạnh bế ẵm, phục vụ. Tuy nhiên, chị T thương con lủi thủi ở nhà nên cố gắng xin nhà trường cho con đi học. 3 năm vẫn lớp 1, nhà trường đã khuyên chị T cho con nghỉ học, đưa con đến học lớp dành cho trẻ đặc biệt, nhưng chị thấy con mình nhận thức không kém. "Con tôi nói tốt, về nhà đều kể chuyện ở lớp cho bố mẹ nghe. Cô giáo dạy viết cháu cũng viết được, nhưng yếu ớt quá. Ở lớp, cháu cũng bị các bạn chê cười nên sống rất khép mình, ngại tiếp xúc..." - chị T nghẹn ngào kể.
"Bốc thuốc" đúng bệnh
Và lần này, tại Khoa Nội tiết – Chuyển hóa (Bệnh viện Nhi T.Ư), các bác sĩ đã bắt đúng bệnh. TS Vũ Chí Dũng - Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa cho biết: "Bệnh nhi V. 9,5 tuổi nhưng sự phát triển về thể chất chỉ tương đương trẻ 1,5 tuổi. Trẻ phát triển chậm ở mức độ rất nặng. Qua thăm khám, chúng tôi phát hiện trẻ bị suy tuyến yên bẩm sinh, đặc biệt thiếu hormone tăng trưởng nặng, ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao, cân nặng của bé".
Theo TS Dũng, đáng tiếc, trường hợp của bé V được phát hiện muộn, can thiệp muộn. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn quyết tâm điều trị cho bé V bằng cách dùng hormone tăng trưởng thay thế hormone thiếu hụt. May mắn, bé V đã đáp ứng tốt với phương pháp điều trị.
TS Dũng cho biết, 12 tháng đầu tiên sau điều trị, cháu bé tăng 18cm và trong 10 tháng tiếp theo, bé tăng được 11cm. Như vậy, trong 22 tháng điều trị, cháu bé tăng 28cm (hiện cao gần 110cm), tăng 10kg so với trước, hiện cân nặng đạt 19,6kg.
"Đây là trường hợp đáp ứng tốt và rất điển hình của thiếu hụt hormone tăng trưởng do suy tuyến yên nặng. Dù cháu bé được chẩn đoán muộn nhưng việc đáp ứng điều trị rất tốt" - TS Dũng chia sẻ.
Đưa con đến Bệnh viện Nhi tái khám vào ngày 17/12, chị T cho biết con chị đã khỏe mạnh, tự tin hơn nhiều. Cháu đã có thể tự đi vệ sinh, mỗi bữa ăn được 2 lưng bát cơm, không còn hay ốm như trước. "Tôi sẽ kiên trì điều trị để con tăng chiều cao, khỏe mạnh hơn, sau này có thể tự chăm sóc bản thân là tôi mãn nguyện lắm rồi" - chị T xúc động bày tỏ.
TS Dũng cho biết, bé V sẽ tiếp tục được điều trị hormone cho đến khi nào đuổi kịp tốc độ tăng trưởng đúng tuổi và giới của cháu. Khi đạt được tốc độ thì sẽ điều trị duy trì để cháu trưởng thành dần dần. Đến năm 16-18 tuổi, các bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng thiếu hụt hormone để quyết định có chuyển tiếp sang điều trị hormone tăng trưởng ở liều người lớn để duy trì chức năng chuyển hóa của cơ thể. Nếu điều trị kiên trì, V sẽ đạt được đến 80% chiều cao như người bình thường.
Theo TS Dũng, trung bình mỗi ngày có 20 bệnh nhi đến Khoa Nội tiết - Chuyển hóa khám vì vấn đề chậm tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% các cháu có bệnh lý phải điều trị. Đáng tiếc nhiều trường hợp đưa con đến khám rất muộn, không thể điều trị. Gần đây là 1 cháu 17 tuổi mà chiều cao, cân nặng chỉ như trẻ 9 tuổi. Với độ tuổi này thì các bác sĩ "bó tay"