Theo thông tin từ kênh Độc Lạ Bình Dương, anh Siu Long sinh năm 1972 và vợ là chị Loan sinh năm 1978. Dù năm nay mới 46 tuổi nhưng chị Loan đã trải qua 15 lần sinh nở. Đa phần các con được sinh ra tự nhiên, không cần đến bệnh viện. Vì gia đình khó khăn, không có điều kiện đi bệnh viện, trạm xá nên toàn tự đỡ đẻ. Ban đầu có bà đỡ hỗ trợ, về sau anh Long tự đỡ đẻ cho vợ và cắt dây rốn cho con.
Ngôi nhà của vợ chồng anh Long xập xệ, chắp vá nhiều mảnh gỗ với nhau là nơi cư trú của gia đình 17 người. Khi có khách đến, các con phải ra trải chiếu ở bên ngoài để ngồi. Bữa cơm của gia đình chủ yếu là cơm trắng cùng vài loại rau như: lá sắn, lõi chuối…, mỗi lần ăn hết 24 lon gạo, ngày nào hết gạo thì xin hàng xóm.
Anh Long cho biết đứa con lớn nhất năm nay đã 22 tuổi, còn con út mới chập chững biết đi. Anh và vợ chẳng thể chăm sóc chu đáo cho các con, chỉ mong làm đủ ăn và có tiền cho con đến trường học cái chữ như con nhà người ta. Vì thế cuộc sống cứ quẩn quanh với nương rẫy và công việc làm mướn.
Khi được hỏi về việc kế hoạch hóa gia đình, chị Loan cho biết từ đứa thứ 4 đã có đặt vòng và uống thuốc nhưng không hợp, bị nhức đầu nên thôi. Sau đó những đứa bé liên tục ra đời.
Vợ chồng anh Long mong muốn có tiền để xây căn nhà rộng rãi, vững chắc hơn cho các con sống. Công việc chủ yếu vẫn làm nông, nhưng chỉ anh Long đi làm còn chị Loan sức khỏe không tốt, đau nhức tay chân do nhiều lần sinh nở nên chỉ ở nhà chăm con.
Dù khó khăn nhưng vợ chồng anh Long mong muốn cố gắng cho các con đi học hết cấp 3, xin vào làm công nhân ở các công ty sẽ đỡ vất vả hơn đi nương rẫy.
“Lần này tôi quyết tâm đi triệt sản để không đẻ nữa. Giờ tôi đã có tuổi, chuyện sinh nở không còn phù hợp. Hơn nữa tôi nghĩ hai vợ chồng không còn đủ sức để gồng gánh đàn con nữa. Tôi cũng khuyên con gái đầu đã lấy chồng đừng nên đẻ nhiều, hãy chỉ sinh 2 con như nhà nước tuyên truyền để gia đình hạnh phúc, các con có cuộc sống trọn vẹn”, chị Loan cho biết
Các con của anh Long thường đi học tiểu học, mầm non vào trong tuần. Ngày nghỉ chúng sẽ cùng cha mẹ lên nương lên rẫy làm cỏ hoặc đi mần thuê cho người ta. Đứa nhỏ làm việc nhẹ như nhổ cỏ, đứa lớn làm việc to hơn một xíu như bốc đất. Chúng cứ cố gắng phụ giúp cha mẹ với hi vọng hôm đó có thêm tiền công, được ăn cơm với thịt cá.
“Mỗi bữa chúng ăn hết một nồi cơm to. Còn cái ăn thì có gì ăn nấy thôi, bữa thì với nước tương, bữa lại rau luộc chấm mắm. Có hôm nhà hết gạo, tôi đành đi rừng hái rau dại về nấu, ăn đến khi nào no bụng thì thôi. Mấy đứa nhỏ không chịu nuốt, vợ tôi phải nịnh ăn đi rồi mẹ mua bánh kẹo. Chúng nghe vậy mới chịu ăn rồi có thực hiện được lời hứa đâu vì làm gì có tiền”, anh Long trải lòng.
Ngoài việc đông con, hiện vợ chồng anh Long đã lên chức ông bà ngoại khi con gái lớn đi lấy chồng và có 2 con. Nhiều lúc vì con đông, nhìn những đứa trẻ trong nhà, anh chị còn không biết đẻ ở vị trí thứ mấy. Vì thấy chị Loan mắn đẻ, trong vùng nhiều gia đình có bà bầu sắp sinh thường đến gặp chị Loan đề nhờ xoa bụng "lấy vía" cho dễ đẻ.