Sức mạnh của thực phẩm màu tím đến từ đâu?
Trong trái cây và rau quả, màu tím thường là dấu hiệu của chất dinh dưỡng gọi là anthocyanin. Giống như nhiều chất dinh dưỡng thực vật khác, cơ thể không cần anthocyanin để hoạt động, nhưng chúng giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại có thể dẫn đến bệnh tật. Và trên hết, có nhiều lợi ích sức khỏe khác bạn sẽ nhận được khi ăn những thực phẩm này.
Lợi ích sức khỏe của các thực phẩm màu tím
Trái cây và rau quả màu tím là nguồn bổ sung dinh dưỡng cho chế độ ăn uống lành mạnh của nhiều người, có thể mang lại lợi ích về sinh lý và tâm lý. Tăng cường ăn trái cây và rau quả có thể giúp giảm nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe như béo phì, đục thủy tinh thể và bệnh tim.
Các loại rau củ quả màu tím có nhiều tác dụng với sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Thực phẩm màu tím chứa anthocyanin, là chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa và sửa chữa tổn thương tế bào. Chúng là các sắc tố thực vật tự nhiên tạo ra màu đỏ và xanh ở một số loại cây. Chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa ung thư, bệnh tim và bệnh thần kinh. Chúng cũng có thể bảo vệ chống lại bức xạ, mầm bệnh và tình trạng căng thẳng.
Màu tím của thực vật cũng thu hút ong và bướm - những loài đi theo các tín hiệu thị giác như màu sắc. Anthocyanin có tác dụng bảo vệ cây trồng, giúp ngăn ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời và nhiệt độ lạnh.
Ăn thực phẩm màu tím giàu anthocyanin có thể đặc biệt có lợi cho những người có chế độ ăn nhiều chất béo vốn dễ dẫn đến béo phì. Theo một nghiên cứu trên động vật năm 2017, tiêu thụ một chế độ ăn nhiều chất béo bao gồm khoai tây tím hoặc cà rốt có thể mang lại lợi ích cho quá trình trao đổi chất và tim. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người là cần thiết để xác nhận những lợi ích này.
Trái cây và rau quả màu tím cũng có thể giúp mọi người suy nghĩ rõ ràng và bình tĩnh hơn. Một đánh giá năm 2019 cho thấy thực phẩm màu tím chứa nhiều polyphenol có tác động tích cực đến hoạt động nhận thức. Polyphenol là chất chống oxy hóa có nguồn gốc thực vật.
Một số thực phẩm màu tím mang lại nhiều lợi ích sức khỏe
Mận
Mận là một trong những thực phẩm màu tím đầu tiên mọi người nghĩ đến. Và trái cây càng có nhiều màu đậm thì càng có nhiều anthocyanin. Mận chín sẽ giàu chất dinh dưỡng hơn và phần vỏ có thể chứa chất chống oxy hóa gấp 20 lần phần thịt bên trong.
Súp lơ
Chỉ một gen duy nhất quyết định súp lơ thu thập nhiều anthocyanin hơn vào các mô của nó, biến loại rau thường có màu trắng này thành màu tím. Mặt khác, súp lơ giàu chất dinh dưỡng thực vật, vitamin C và khoáng chất. Hấp, xào hoặc cho nấu trong lò vi sóng - hay ăn sống - có thể giúp bảo toàn được nhiều chất dinh dưỡng nhất.
Súp lơ tím chứa nhiều chất dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Quả mọng
Mặc dù anthocyanin có liên quan đến màu tím nhưng các sắc tố có thể có màu từ đỏ đến xanh. Quả việt quất, quả mâm xôi, dâu tây, nho đen và dâu tằm đều có đặc tính tương tự. Theo các nghiên cứu ở cả trẻ em và người lớn, việc sử dụng quả việt quất có thể tăng cường năng lực trí tuệ và tâm trạng. Các nhà khoa học cho rằng anthocyanin giúp các tế bào não của bạn giao tiếp với nhau.
Khoai tây
Hãy thử những củ khoai tây có vỏ và thịt màu tím. Ngoài anthocyanin, chúng còn có tổng lượng chất chống oxy hóa gấp 2-3 lần so với một củ khoai tây trắng thông thường, chứa nhiều kali, magie, vitamin C và chất xơ.
Anh đào đỏ
Các anthocyanin mang lại cho loại quả này màu đậm có thể giúp giảm huyết áp và giữ cho mạch máu khỏe mạnh và mềm mại. Chúng dường như cũng giúp giải quyết các vấn đề về khớp như viêm xương khớp và bệnh gút - tình trạng gây đau đớn khi các tinh thể tập trung ở bàn chân hoặc mắt cá chân. Và quả anh đào chứa nhiều chất dinh dưỡng kết hợp với nhau có thể giúp ngăn ngừa ung thư, bệnh tim và tiểu đường.
Quả nho
Anthocyanin trong nho có thể chuyển từ màu đỏ sang màu đen. Những "viên ngọc quý" này được biết đến vì có resveratrol, chất này đã thu hút được nhiều sự chú ý vì là một phần của nhóm chất dinh dưỡng phối hợp với nhau để giúp bảo vệ tế bào khỏi bị những hư hại có thể dẫn đến bệnh tật. Vỏ nho mang lại màu sắc cho rượu vang đỏ - và cả chất resveratrol có bên trong nó.
Cà rốt tím
Hiếm hơn cà rốt màu cam, cà rốt tím được tăng cường anthocyanin. Ăn cà rốt dạng muối xổi hay nướng sẽ giúp bạn nhận được thêm các chất dinh dưỡng như anthocyanin cũng như beta carotene và các carotenoid khác - giúp ngăn chặn ung thư và cải thiện hệ thống miễn dịch.
Bắp cải tím
Cơ thể có thể dễ dàng sử dụng anthocyanin hơn khi ăn thực phẩm đã nấu. Nếu lên men bắp cải để làm dưa cải bắp hoặc kim chi, bạn sẽ nhận được men vi sinh tự nhiên giúp nuôi dưỡng vi khuẩn trong ruột. Những thứ này giúp cơ thể chống lại vi trùng, hấp thụ chất dinh dưỡng, tiêu hóa thức ăn và thậm chí kiểm soát sự lo lắng.
Bắp cải dùng làm dưa hay kim chi có thể tăng cường tác dụng. (Ảnh minh họa)
Củ cải
Màu sắc của củ cải tím đến từ các chất chống oxy hóa khác nhau được gọi là betalain. Bạn cũng sẽ tìm thấy những sắc tố màu đỏ và màu vàng này trong thân cây củ cải và đại hoàng, cũng như một số loại nấm. Chúng dễ phân hủy hơn khi bạn nấu chín so với anthocyanin, vì vậy hãy thử hấp thay vì nướng. Củ cải đường sẽ tạo thêm vị ngọt và màu đỏ tía đẹp mắt cho món sinh tố. Những loại rau này rất tốt cho tim, não và đường huyết.
Kem tím
Màu sắc của thực phẩm chế biến như bánh ngọt và kẹo không có tác dụng giống như màu sắc của trái cây và rau quả tươi. Nhưng anthocyanin thường được sử dụng để tạo màu sẫm cho các thực phẩm khác như khoai tây chiên, nước ngọt và thạch. Lượng chất này có thể không đủ để cải thiện sức khỏe nhưng chúng có thể là lựa chọn an toàn nếu bạn muốn tránh thuốc nhuộm nhân tạo.
Dùng rau quả màu tím có rủi ro gì không?
Trái cây và rau quả màu tím an toàn cho hầu hết mọi người khi dùng với số lượng vừa phải. Dù vậy, những thực phẩm này chứa carbohydrate, có thể không tốt cho sức khỏe nếu dùng với số lượng lớn.
Tuy nhiên, carbohydrate phức tạp trong thực phẩm màu tím nhìn chung có lợi cho sức khỏe và là sự thay thế tốt cho carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như gạo trắng.