Bác sĩ Nguyễn Văn Quân, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân tên T.M.T. (20 tuổi, ở Bát Xát, Lào Cai) trong tình trạng mũi chảy nhiều, máu đỏ tươi, phần da bụng phỏng có phỏng nước, có tổn thương khá nặng.
Người nhà của T. kể lại tháng 8, bệnh nhân có đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thăm khám, được kết luận bị ung thư máu (bệnh lơ-xơ-mi cấp).
Tuy nhiên, thay vì điều trị tại bệnh viện, T. về quê và tự ý điều trị theo kinh nghiệm dân gian. Nam thanh niên bôi và đắp thuốc lên bụng, sau đó úp bát có hơi nóng (kiểu giác hơi) vào để chữa bệnh, kèm theo đó là tiêm thuốc (không rõ nguồn gốc).
Sau khi điều trị tại nhà, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những tổn thương dạng bỏng hơi, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Trước khi nhập viện 2 ngày, T. có dấu hiệu chảy máu mũi từng đợt, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau tức bụng...
Ngày 28/9, bệnh nhân được gia đình đưa đi cấp cứu. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, các xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân ở trong tình trạng nguy hiểm, nhất là chỉ số tiểu cầu và bạch cầu.
Hiện tại, bệnh nhân vẫn được điều trị triệu chứng các tổn thương ngoài da, cầm máu mũi, chăm sóc dinh dưỡng. Tuy nhiên, do tình trạng nặng, tiên lượng không qua khỏi cao.
Bác sĩ Quân cảnh báo việc mắc bệnh nhưng lại không tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tự ý điều trị hoặc điều trị theo phương pháp phản khoa học là rất nguy hiểm với sức khỏe.
Đặc biệt, những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, ung thư, thận… sức đề kháng, miễn dịch đã suy giảm.
"Khi tự chữa bệnh, ngoài việc có thêm các tổn thương ngoài da, bệnh ung thư máu sẽ nặng nề hơn và nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng" bác sĩ Quân nhấn mạnh.