Ngày 19-12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết thời gian gần đây liên tục tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca đột quỵ nhập viện đang gia tăng.
Đột quỵ sau khi tắm khuya
Đêm 6-12, khi bắt đầu đợt không khí lạnh, bệnh nhân nam (45 tuổi), không có tiền sử bệnh lý, đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, đột quỵ sau khi tắm khuya.
Kết quả chẩn đoán cho thấy xuất huyết não với khối máu 90 cm³, bệnh nhân buộc phải phẫu thuật mở sọ để giải ép áp lực não. Hiện bệnh nhân vẫn phải điều trị tích cực, duy trì thở máy, tiên lượng rất nặng.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam (42 tuổi), sau khi tắm đêm 17-12 thì đột ngột đau đầu, ý thức chậm, dần đi vào hôn mê. Bệnh nhân được sơ cứu ở tuyến trước, sau đó chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở giờ thứ 3.
Mặc dù đã được hồi sức cấp cứu tích cực, tuy nhiên tổn thương đột quỵ chảy máu não quá nặng, bệnh nhân hôn mê sâu, không còn khả năng cứu chữa.
Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) nhận định cả 2 trường hợp trên đều là những người còn khá trẻ, không có bệnh lý mạn tính. Tai biến đột quỵ đã xảy ra sau khi tiếp xúc với lạnh đột ngột, để lại di chứng nặng nề và đe dọa tính mạng người bệnh.
Mùa lạnh dễ xảy ra đột quỵ
Theo các bác sĩ, việc tiếp xúc với lạnh là yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự gia tăng đột quỵ não, đột quỵ chảy máu não và đột quỵ nhồi máu não.
Các dấu hiệu để nhận biết đột quỵ (nguyên tắc FAST) gồm:
F (Face - Mặt): Khuôn mặt lệch, tê hoặc yếu một bên.
A (Arms - Tay): Yếu hoặc không nâng được một bên tay.
S (Speech - Lời nói): Nói khó, nói lắp hoặc không hiểu lời nói.
T (Time - Thời gian): Cấp cứu ngay lập tức, vì thời gian vàng trong 6 giờ đầu quyết định hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, cũng cần chú ý đến các triệu chứng khác như đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất thị lực hoặc mất thăng bằng đột ngột…
Khi gặp người đột quỵ, cần ngay lập tức gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ hạn chế được các di chứng về sau.
Trong quá trình chờ cấp cứu, nếu không phải là nhân viên y tế, người nhà không nên tự ý cho người bệnh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bởi một số loại thuốc sẽ làm tình trạng xuất huyết não trở nên nghiêm trọng hơn và làm các biến chứng sẽ nặng nề hơn, tăng nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, cần lưu ý không chích máu ngón tay người bệnh; không cử động, lắc người bệnh; không cạo gió cho người bệnh; không cho người bệnh ăn hay uống để tránh sặc.
Đồng thời, nên để người bệnh nằm nghiêng một chỗ, nới lỏng quần áo, tránh để người bệnh mặc trang phục quá chật; ghi lại thời gian người bệnh có dấu hiệu đột quỵ cũng như các triệu chứng của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế.