Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?
Vàng da là hiện tượng hồng cầu bị vỡ tạo ra bilirubin, chức năng chuyển hoá bilirubin của gan chưa hoàn thiện. Thông thường, gan sẽ loại bỏ bilirubin ra khỏi máu, sau đó sẽ thải ra ngoài thông qua việc đi vệ sinh. Trong thời kỳ mang thai, gan của người mẹ sẽ đảm nhận nhiệm vụ này, sau khi sinh phải mất một thời gian thì gan của trẻ sơ sinh mới làm việc. Kết quả là loại sắc tố này sẽ tích tụ trong máu gây ra chứng bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh.
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Trong phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da không phải là tình trạng bố mẹ cần phải lo lắng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp do tác nhân bệnh lý gây ra bệnh vàng da vô cùng nguy hiểm.
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh được chia làm hai dạng: vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý, các mẹ cần biết phân biệt các dấu hiệu của hai dạng vàng da này ở trẻ sơ sinh để có phương pháp điều trị phù hợp.
Đây cũng là lý do Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo tất cả trẻ sơ sinh nên được kiểm tra bệnh da ít nhất trong 8 - 12 giờ hoặc một vài ngày trước khi xuất viện.
Vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da sinh lý có thể ở mức độ nhẹ, với trẻ đủ tháng, bình thường vàng da sinh lý sẽ xuất hiện sau 24 giờ sau sinh, thường sẽ biến mất sau 1 tuần đối với trẻ sinh đủ tháng hoặc sau 2 tuần đối với trẻ sinh non tháng. Bệnh xảy ra ở 25 -30% trẻ sinh đủ tháng, đa số ở trẻ sinh non.
Vàng da sinh lý có một số biểu hiện như:
- Màu vàng nhẹ (chỉ vàng vùng da mặt, cổ, ngực và phần bụng phía trên rốn).
- Vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan, lá lách to, lừ đừ...)
- Phân màu vàng và nước tiểu trong.
- Tốc độ vàng da chậm; đạt mức độ cao nhất vào ngày 3 – 4 (trẻ đủ tháng), ngày thứ 5 – 6 (trẻ non tháng) rồi giảm dần.
- Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ non tháng.
- Tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ.
- Trẻ vẫn bú và ngủ bình thường, không có hiện tượng quấy khóc.
Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Vàng da bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non tháng. Các em bị vàng da từ đầu tới chân từ khi lọt lòng, nếu không điều trị đúng mức trẻ sẽ bị nhiễm độc thần kinh, co giật, hôn mê và tử vong. Các biểu hiện vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh mẹ không được lơ là như:
- Vàng da kéo dài trên hai tuần
- Màu vàng xuất hiện toàn thân và tăng dần ở các chi
- Trẻ bị vàng da bệnh lý có sức khoẻ suy giảm, nước tiểu màu vàng hoặc phân màu vàng hay bạc màu.
- Ngoài ra trẻ có thể bị sốt, co giật, không muốn bú, ngủ li bì…
Vì vậy, nếu quá 10 ngày mà mẹ không thấy con hết tình trạng vàng da thì cần chủ động đưa đến bệnh viện để điều trị. Nếu không phát hiện và điều trị vàng da bệnh lý kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do Bilirubin gián tiếp thấm vào não mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời.
Tại sao trẻ sơ sinh bị vàng da?
Những nguyên nhân gây nên hiện tượng bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh như:
- Trẻ sinh non tháng là những trẻ sinh trước 37 tuần: trẻ có nguy cơ mắc bệnh vàng da sinh lý cao hơn, do gan chưa đủ khả năng xử lý bilirubin nhanh như trẻ sinh đủ tháng.
- Bầm tím trong khi sinh: nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu trẻ sơ sinh có vết bầm tím do quá trình chuyển dạ, sinh thường hoặc sinh mổ sẽ có nguy cơ cao hơn về mức độ vượt ngưỡng của bilirubin từ sự phân huỷ của tế bào máu đỏ.
- Trẻ sơ sinh có nhóm máu không tương thích với mẹ: bệnh xảy ra khi người mẹ có yếu tố Rh (-), người bố có yếu tố Rh (+), người con sinh ra có yếu tố Rh (+).
- Vàng da do nhiễm khuẩn: do trẻ bị nhiễm khuẩn rốn, nhiễm khuẩn da.
- Vàng da do virus: chủ yếu do virus gây bệnh gan truyền từ mẹ sang con.
- Trẻ bị tắc mật bẩm sinh: nguyên nhân do đường mật bị teo nhỏ tuỳ mức độ khác nhau.
Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh rất dễ nhận biết dưới ánh sáng mặt trời. Phụ huynh cần theo dõi màu sắc da của con hằng ngày, dùng tay ấn vào trán, bụng, tứ chi của trẻ để xác định trẻ có bị vàng da hay không.
Một số bé có da đỏ hoặc đen sẽ khó nhận thấy, nên khi ấn vào sẽ để lại màu vàng tại chỗ ấn, đây là cách nhận biết vàng da dễ nhất mà phụ huynh có thể lưu ý để theo dõi trẻ.
Ngoài triệu chứng có thể phân biệt bằng mắt thường, trẻ sẽ được đo nồng độ bilirubin thông qua kiểm tra da hoặc xét nghiệm máu để xác định tình trạng bệnh.
Cách chữa bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh bị vàng da sinh lý thì phương pháp điều trị vô cùng đơn giản, đa số các trường hợp trẻ sẽ tự khỏi. Mẹ cần cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì trong thành phần sữa mẹ có các thành phần dinh dưỡng quan trọng giúp cho các cơ quan chức năng của trẻ phát triển.
Việc cho trẻ bú thường xuyên sẽ loại bỏ được bilirubin thừa ra khỏi cơ thể, từ đó giảm triệu chứng vàng da.
Một liệu pháp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh là thay thế sữa mẹ bằng một loại sữa công thức đặc biệt dành cho trẻ. Tuỳ thuộc vào mức bilirubin trong cơ thể trẻ, có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức này trong khoảng thời gian 48 giờ. Sau khi mức bilirubin trở về bình thường, trẻ sẽ được bú sữa mẹ trở lại.
Mẹ cũng lưu ý là tắm nắng không phải là phương pháp điều trị bệnh vàng da cho trẻ sơ sinh.
Đối với trường hợp trẻ bị vàng da nặng, cha mẹ cần cho trẻ nhập viện điều trị bằng các phương pháp sau:
- Cung cấp đầy đủ nước và năng lượng (qua cho bú hoặc truyền dịch), truyền Albumine và dùng một số loại thuốc để gia tăng tốc độ chuyển hoá bilirubin gián tiếp.
- Phương pháp trị liệu bằng ánh sáng: đây là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bé được soi đèn bằng ánh sáng đặc biệt, trẻ sẽ phải cởi bỏ hết quần áo, chỉ mặc tã để che bộ phận sinh dục và được che kín mắt, xoay trở để tăng diện tích tiếp xúc của da với ánh sáng. Dàn đèn ánh sáng xanh dương có tác dụng tốt nhất, tiếp theo là ánh sáng xanh lá cây, còn dàn đèn ánh sáng trắng có hiệu quả kém nhất.
- Nếu trẻ bị vàng da nặng kèm các triệu chứng thần kinh đi kèm, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ được thay máu. Việc thay máu này sẽ thay thế một lượng máu của em bé có nồng độ bilirubin cao bằng một lượng máu hiến có nồng độ bilirubin bình thường.
- Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, có thể trẻ sẽ được chỉ định phẫu thuật nếu trẻ bị bệnh lý teo đường mật hoặc giãn đường mật bẩm sinh.
Để phòng ngừa bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh, các mẹ cần lưu ý như sau:
- Chăm sóc sức khoẻ tốt khi mang thai, phải đi khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa để có thể phát hiện kịp thời những dị tật bẩm sinh cũng như các bệnh lý trong thai kỳ. Từ đó, phòng ngừa trường hợp trẻ bị sinh non tháng, thiếu cân, nhiễm trùng từ mẹ sang con.
- Cho con bú sữa non của mẹ ngay khi vừa mới chào đời, giữ ấm cơ thể trẻ.
- Phòng trẻ phải có đủ ánh sáng để theo dõi màu sắc da của trẻ.
Nuôi con trong những tháng năm đầu đời là vô cùng khó khăn và vất vả. Vì vậy, cha mẹ cần trang bị những kiến thức căn bản để không phải bỡ ngỡ trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Nắm vững các dấu hiệu để phân biệt vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh để có phương pháp điều trị hiệu quả, tránh gây những biến chứng nguy hiểm.