Khi nào nên cho trẻ ăn dặm?
Ngoài nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ và sữa công thức, từ sau 6 tháng tuổi trẻ cần được bổ sung dưỡng chất từ các nguồn thực phẩm khác nhau. Do đó, mẹ cần bắt đầu tập cho bé ăn dặm.
Ăn dặm sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng nhai, nuốt thức ăn đặc, lợn cợn và cho phép phát triển cơ hàm để phát âm tốt. Tuy nhiên, mẹ cần nhớ sữa vẫn luôn là nguồn dinh dưỡng cần thiết của bé trong giai đoạn này.
Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM cho biết cha mẹ nên cho bé ăn dặm khi thấy bé có dấu hiệu sẵn sàng ăn như biết lật sấp, giữ đầu vững và thèm ăn (thèm thuồng nhìn người khác ăn, mau đói sau khi bú,…).
Việc cho bé ăn sớm trước 4 tháng tuổi sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng và khó tiêu vì ống tiêu hóa của bé chưa thật sự sẵn sàng. Ngược lại, nếu bắt đầu cho ăn quá trễ, trẻ sẽ khó làm quen với thức ăn mới và thiếu hụt dinh dưỡng.
Các bước tập cho trẻ ăn dặm đúng cách
Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết so với người lớn, tính trên một kg cân nặng, nhu cầu năng lượng của bé cao gấp 2,5 lần, nhu cầu các khoáng chất và vitamin cao gấp 3-5 lần; trong khi dạ dày của bé chỉ nhỏ bằng 1/5.
Vì vậy, cha mẹ cần cho bé ăn dặm đúng cách; chế độ ăn của bé phải đủ dinh dưỡng, đa dạng và cân bằng mới đáp ứng được nhu cầu phát triển rất cao trong những năm đầu đời. Theo đó, cha mẹ cần thực hiện các nguyên tắc sau:
Ăn tăng dần
Cha mẹ nên tập cho trẻ ăn dặm lượng thức ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ mịn đến thô. Bạn có thể khởi đầu bằng cách cho bé nếm một chút chuối tươi hay khoai nấu nạo thật mịn, sau đó tăng lượng dần dần khi bé thấy thú vị, rồi tập thêm món khác…
Đủ 4 nhóm thực phẩm
Cha mẹ hãy bắt đầu từ 1 nhóm đến nhiều nhóm thực phẩm. Ăn trái cây, ăn bột dinh dưỡng (bột lúa mì-, ữa đến bột cá, rau,…).
Bạn nên sử dụng các sản phẩm bột ăn dặm uy tín, chế biến theo hướng dẫn ghi trên vỏ hộp. Nếu muốn chế biến tại nhà, nên hỏi bác sĩ để đảm bảo thành phần dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.
Thông thường, các bé bắt đầu ăn dặm hay bị chậm cân do mẹ chế biến thức ăn chưa đúng cách hoặc chỉ cho bé ăn cháo sườn mua ở chợ.
Hãy tập cho bé làm quen với các thực phẩm lành trước (cá đồng, thịt heo,…) rồi đến các thực phẩm ít lành hơn, có nguy cơ gây dị ứng (tôm, cua, thịt bò,…).
Thời gian tập cho bé ăn thực phẩm mới khoảng 3 - 5 ngày, nếu bé không có phản ứng dị ứng nghĩa là bé dung nạp tốt thực phẩm này, mẹ tiếp tục chuyển sang loại thức ăn khác. Phản ứng dị ứng có thể chỉ xảy ra sau khi bé ăn 1 thực phẩm nào đó sau 3-5 ngày, nếu cha mẹ đổi món liên tục sẽ khó xác định thực phẩm gây dị ứng.
Nêm nếm gia vị vào thức ăn dặm
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo không nêm nếm gia vị vào thức ăn dặm khi bé chưa đủ 12 tháng và chỉ nêm nhạt sau độ tuổi này.
Bé sẽ thích vị ăn nhạt của thức ăn khi mẹ tập trong giai đoạn đầu. Thói quen này sẽ giảm nguy cơ cao huyết áp, không ảnh hưởng đến hệ bài tiết.
Giúp bé thích thú với bữa ăn
Cha mẹ chỉ nên cho bé ăn khi bé thật sự đói, tuyệt đối không ép buộc trẻ. Nếu bé không muốn ăn, bạn đừng ép và không kéo dài bữa ăn. Hãy bắt đầu vào ngày khác ít lượng thức ăn và bé sẵn sàng hơn
Lưu ý không nên để bé vừa ăn vừa xem tivi, chơi ipad đồng thời không dọa nạt khiến trẻ khóc lóc vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn của trẻ.