Lũ trẻ không ngừng la hét, sếp của bạn đang giục báo cáo hay những khoản nợ gây ra cho bạn những sự căng thẳng mà mọi người vẫn gọi là Stress. Stress thực sự là một phần bình thường của cuộc sống hàng ngày.
Có những căng thẳng diễn ra trong thời gian ngắn và có tác động tích cực đến bạn. Nó giúp bạn nhận thức rõ hơn về mọi thứ xung quanh và khiến bạn tập trung hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn không kiểm soát được căng thẳng của mình, về lâu dài stress có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, cuộc sống gia đình và sức khỏe của bạn.
Những nguyên nhân bên ngoài gây stress
Mỗi người đều có những tác nhân gây stress khác nhau. Theo khảo sát thì làm việc căng thẳng là nguyên nhân đứng đầu gây stress tại nhiều quốc gia.
Nguyên nhân của stress trong công việc có thể bao gồm:
Không hài lòng trong công việc
Có khối lượng công việc lớn hoặc quá nhiều trách nhiệm
Làm việc nhiều giờ
Có quản lý kém, kỳ vọng không rõ ràng về công việc của bạn
Làm việc trong điều kiện nguy hiểm
Không an tâm về cơ hội thăng tiến hoặc nguy cơ chấm dứt của bạn
Đối mặt với sự phân biệt đối xử hoặc quấy rối tại nơi làm việc
Ngoài ra, những căng thẳng cuộc sống cũng có thể có tác động lớn. Tiêu biểu như:
Sự qua đời của một người thân yêu
Ly hôn
Mất việc
Tăng nghĩa vụ tài chính
Kết hôn
Chuyển đến nhà mới
Các vấn đề về cảm xúc (trầm cảm, lo lắng, tức giận, đau buồn, mặc cảm, lòng tự trọng bị tổn thương...)
Chăm sóc người già hoặc thành viên gia đình bị bệnh
Sự kiện đau thương, chẳng hạn như thảm họa tự nhiên, trộm cắp, hãm hiếp hoặc bạo lực đối với bạn hoặc người thân.
Những nguyên nhân bên trong gây stress
Đôi khi, sự căng thẳng đến từ bên trong bạn chứ không phải bên ngoài. Hay nói cách khác là bạn luôn lo lắng về mọi thứ. Những yếu tố có thể dẫn đến stress bao gồm:
Sợ hãi: Khi bạn thường xuyên nghe về mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố, sự nóng lên toàn cầu và các hóa chất độc hại trên tin tức, nó có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Đặc biệt là vì bạn cảm thấy mình không kiểm soát được những sự kiện đó.
Và mặc dù các thảm họa thường là những sự kiện rất hiếm gặp, sự bao phủ của chúng trên các phương tiện truyền thông có thể khiến chúng dường như có khả năng xảy ra hơn so với thực tế.
Những nỗi sợ hãi cũng có thể đến từ những lí do đơn giản, chẳng hạn như lo lắng rằng bạn sẽ không hoàn thành một dự án tại nơi làm việc hoặc sẽ không có đủ tiền để thanh toán hóa đơn của bạn trong tháng này.
Thái độ và nhận thức: Cách bạn nhìn thế giới hoặc một tình huống cụ thể có thể xác định liệu nó có gây ra căng thẳng hay không.
Ví dụ: Nếu ti vi của bạn bị mất cắp và bạn có thái độ: "Không sao, của đi thay người", bạn sẽ bớt căng thẳng hơn nhiều so với khi bạn nghĩ: "Ti vi của tôi đã biến mất và tôi sẽ không bao giờ lấy lại được! Điều gì sẽ xảy ra nếu bọn trộm quay lại nhà tôi để lấy cắp lần nữa? "
Tương tự như vậy, những người cảm thấy như họ đang làm tốt công việc sẽ bớt căng thẳng hơn bởi một dự án lớn sắp tới so với những người lo lắng rằng họ không đủ năng lực.
Kỳ vọng không thực tế: Không ai là hoàn hảo. Nếu bạn mong muốn làm mọi thứ mọi lúc mọi nơi, bạn sẽ cảm thấy căng thẳng khi mọi thứ không như mong đợi.
Thay đổi: Bất kỳ thay đổi lớn trong cuộc sống đều có thể gây căng thẳng, chẳng hạn như ly hôn, thất bại lớn về tài chính hoặc cái chết trong gia đình có thể là nguồn gây căng thẳng đáng kể.
Bạn cần biết mức độ stress của mỗi người là khác nhau dựa trên tính cách và cách người đó phản ứng, đối phó với các tình huống. Đối với một số người, áp lực công việc và áp lực cuộc sống chỉ là những va chạm nhỏ trên đường, họ dễ dàng vượt qua được và ngược lại.
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền TP.HCM