Ngày 25/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, cho hay địa phương hiện đang là cao điểm dịch SXH. Từ đầu năm đến nay, Bình Dương phát hiện hơn 920 ổ dịch, ghi nhận hơn 4.800 ca mắc, trong đó có 8 ca tử vong và gần 200 trường hợp diễn biến nặng.
Theo ông Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ngành y tế địa phương đang gặp khó khăn trong việc cùng lúc phải ứng phó nhiều loại dịch bệnh gồm: COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng… trong khi hàng loạt nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc. Để đáp ứng yêu cầu về nhân lực cơ sở, Bình Dương còn thiếu gần 500 nhân viên y tế.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ngành y tế đang phối hợp các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng , tổng vệ sinh môi trường, giám sát ca bệnh, phân lập vi rút để dự báo xu hướng dịch, xử lý ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.
Tuy nhiên, để công tác phòng chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả, quan trọng nhất là ý thức của người dân trong việc chủ động vệ sinh nơi ở, diệt trừ lăng quăng.
Để phòng, chống dịch sốt xuất huyết mang tính lâu dài, ngành y tế Bình Dương đã triển khai thực hiện phương pháp “Thả muỗi mang Wolbachia”. Tính đến nay, Bình Dương đã thực hiện thả muỗi mang Wolbachia ở gần 3.000 điểm.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, cho biết vi khuẩn Wolbachia được đưa vào cơ thể muỗi vằn giúp muỗi tăng sức đề kháng với virus gây bệnh giống như “tiêm vắc xin” cho muỗi.
Vi khuẩn Wolbachia được cấy vào muỗi vằn sẽ làm cho muỗi có khả năng ức chế sự nhân lên của một số loại virus trong đó có virus Dengue và Zika, giảm sự lây truyền bệnh SXH.
Trong năm 2020, Bình Dương ghi nhận 4.370 ca SXH (5 ca tử vong); năm 2021 ghi nhận 5.636 ca (2 ca tử vong).
Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, đánh giá các ca mắc sốt xuất huyết tử vong những ngày qua, cho thấy bệnh nhân đều được đưa đến cơ sở y tế khi bệnh đã quá nặng. Để tránh nguy cơ tử vong, ngành y tế khuyến cáo cần sớm phát hiện các biểu hiện của bệnh SXH, như gây sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu hiệu xuất huyết như: Chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo… Bệnh trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6, với biểu hiện trụy tim mạch như tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.