Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong năm 2018, 218.520 trường hợp ung thư phổi mới được phát hiện và 142.080 ca tử vong tại nước này.
Trên toàn cầu, năm 2020, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến thứ hai sau ung thư vú với 2,1 triệu ca mắc, là thủ phạm của 1,8 triệu ca tử vong. Riêng với nam giới, đây là bệnh xếp vị trí số 1.
Mặc dù phổ biến, ung thư phổi thường bị hiểu sai. Tiến sĩ Fred R. Hirsch, Giám đốc điều hành Trung tâm Ung thư tại Viện Ung thư Mount Sinai's Tisch, Mỹ, sẽ đưa ra những giải đáp về một số lầm tưởng về bệnh ung thư phổi.
Chỉ những người hút thuốc mới bị ung thư phổi?
Trả lời Medical News Today, TS Hirsch khẳng định quan điểm chỉ người hút thuốc mới bị ung thư phổi là sai lầm và khiến chúng ta sinh ra cảm giác kỳ thị.
Theo CDC, khoảng 10-20% người bị ung thư phổi ở Mỹ chưa từng hút thuốc hoặc chỉ hút ít hơn 100 điếu trong đời. Hàng năm, khoảng 7.300 người bị ung thư phổi là do hút thuốc thụ động và 2.900 ca khác do phơi nhiễm radon.
Trong khi đó, nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Y Albert Einstein, Mỹ, dẫn đầu và công bố trên tạp chí Nature Genetics ngày 11/4 cho thấy một số người hút thuốc có cơ chế mạnh mẽ giúp bảo vệ họ khỏi ung thư phổi bằng cách hạn chế đột biến. Điều đó lý giải nguyên nhân nhiều người nghiện thuốc lá lâu năm không bị ung thư phổi.
Theo TS Hirsch, nhiều người cho rằng bệnh chỉ gặp ở người lớn tuổi là sai lầm, dễ khiến chúng ta chủ quan. Trên thực tế, ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Bệnh xuất hiện ở những người trẻ tuổi nhiều hơn. Theo số liệu nghiên cứu từ Tạp chí Ung thư năm 2019, có khoảng 1,4% trường hợp ung thư phổi xảy ra ở những người dưới 35.
Ung thư phổi là bệnh không thể phòng ngừa?
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Tỷ lệ ung thư phổi tăng lên theo số năm hút thuốc và số lượng thuốc hút mỗi ngày. Tỷ lệ ung thư phổi ở người nghiện thuốc lá cao hơn rất nhiều. 90% các trường hợp ung thư phổi là ở người nghiện thuốc lá.
Trong khói thuốc lá có đến hơn 40 chất có khả năng gây ung thư đó là các Hydrocarbure thơm đa vòng (như: 3-4 Benzopyren, Dibenzanthracen), Polonium 40 và Sélénium trong giấy cuốn thuốc lá. Hút thuốc lá chủ động làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi lên 13 lần. Hút thuốc thụ động trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ.
Chính vì vậy, chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thông qua việc phòng chống hút thuốc, cai nghiện thuốc, tránh hút thuốc thụ động. Nếu bạn sống hoặc làm việc với người hút thuốc, hãy khuyên họ bỏ thuốc lá. Hoặc ít nhất, hãy yêu cầu họ hút thuốc bên ngoài hoặc chủ động tránh xa. Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế đến các khu vực nơi mọi người hút thuốc.
Radon cũng là tác nhân gây ung thư phổi. Đây là loại khí phóng xạ xuất phát từ sự phân hủy uranium trong đá và đất. Nó thấm qua mặt đất và rò rỉ vào không khí hoặc nguồn nước. Các nghiên cứu cho thấy lượng khí radon cao trong nhà hoặc nơi làm việc làm tăng số ca mắc và số ca tử vong do ung thư phổi.
Ở những người chưa bao giờ hút thuốc, khoảng 26% trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan việc tiếp xúc với radon. Giảm mức radon có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt là ở những người hút thuốc lá.
Do đó, việc hạn chế radon trong nhà là rất quan trọng và có thể giảm được bằng cách như tăng cường thông gió, sử dụng máy làm sạch không khí, bịt kín các vết nứt trên sàn hoặc tường, hạn chế tiếp xúc với sàn nhà hoặc tầm hầm.
TS Fred R. Hirsch cũng khuyên chúng ta nên tầm soát ung thư phổi nếu thuộc nhóm nguy cơ cao (người từ 50 tuổi trở lên có tiền sử hút một gói thuốc lá mỗi ngày trong 20 năm trở lên). Điều này có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi hơn 20%.
Ngoài ra, bạn nên có thói quen tập thể dục, tránh béo phì để ngăn các yếu tố gia tăng nguy cơ mắc ung thư nói chung.
Ung thư phổi chỉ có thể phát hiện ở giai đoạn cuối?
Tiến sĩ Hirsch giải thích: “Ung thư phổi có thể được phát hiện ở những trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ về đường hô hấp”. Ngay cả bệnh ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn nặng cũng có tiềm năng sống khá dài. Những tiến bộ về liệu pháp điều trị đã giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ. Nếu phát hiện sớm, bệnh có tỷ lệ chữa khỏi hơn 60%.
Do đó, việc tầm soát ung thư phổi ở những người có nguy cơ cao rất quan trọng. Tầm soát ung thư phổi gồm chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), X-quang và một số thăm dò như nội soi phế quản video... Ung thư phổi có thể được chẩn đoán xác định bằng sinh thiết dưới hướng dẫn của chụp CT, siêu âm hoặc nội soi lồng ngực, nội soi trung thất...
Ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường ít có các triệu chứng rõ ràng, nhiều người bệnh có thể bị ho khan kéo dài, tức nặng ngực, khó thở khi gắng sức. Các triệu chứng này dễ nhầm lẫn với bệnh đường hô hấp trên như viêm phế quản, phổi.
Do đó, nó thường gây tâm lý chủ quan, rất khó phát hiện bệnh. Song, tính chất của các triệu chứng trong bệnh ung thư phổi có sự khác biệt, đó là kéo dài, tăng dần, liên tục, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.