Ca COVID-19 nặng tăng nhanh
Bộ Y tế cho biết ngày 14/8 có 1.428 ca COVID-19 trong ngày có gần 6.000 bệnh nhân khỏi và 1 trường hợp tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.365.784 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.589 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 10.020.569 ca; trong số bệnh nhân đang theo dõi, điều trị có 106 trường hợp thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 90 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 6 ca; Thở máy không xâm lấn: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca...
Theo Bộ Y tế trong tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại và có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Trong khi biến thể BA.4 và BA.5 đã xâm nhập trong cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, cùng đó năm học mới đang đến gần, do đó các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Bộ Y tế cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã nộp hồ sơ đúng hạn
Ngày 11/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 24/2022/UBTVQH15 về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15.
Theo đó, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết này nêu rõ: Sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn.
Theo quy định này, những người lao động đã nộp hồ sơ đúng hạn sẽ tiếp tục được hỗ trợ tiền từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021. Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 03, các đối tượng người lao động được hỗ trợ gồm:
- Người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm 30/9/2021 mà không phải người đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên…
- Người đã dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp bởi nguyên nhân chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc từ 11/01/2020 - 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu mà không phải người hưởng lương hưu hàng tháng.
Theo Nghị quyết mới, thời hạn hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho người lao động chậm nhất là ngày 10/9/2022.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 11/8/2022.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 thế giới tuần qua
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 594,8 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong. Trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận 5.345.914 ca mắc mới (giảm 15% so với tuần trước đó). Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần là 14.829 (giảm 12% so với 1 tuần trước).Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất (1.443.569 ca), trong khi Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới (2.438 ca, giảm 27% so với tuần trước nữa).
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm, song có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia căng thẳng hơn so với các nước khác. Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng.
Trong vòng 7 ngày qua, tình hình dịch bệnh đặc biệt đáng lo ngại ở châu Á. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở đây đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch mới, với số ca mắc mới và nhập viện tăng mạnh trở lại. Trước xu thế dịch nguy cơ tái bùng phát, nhiều quốc gia đang tăng cường tiêm các mũi vaccine số 4 và số 5, đồng thời duy trì các biện pháp phòng dịch khác như đeo khẩu trang.