Có nhiều rối loạn khác nhau liên quan đến ăn uống. Một trong số đó là chứng rối loạn ăn uống vô độ (BED), một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng được đặc trưng bởi các đợt tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm tái diễn, thường kèm theo cảm giác mất kiểm soát.
Kiểm soát cân nặng ở những người mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ là một điều khó khăn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, giải quyết cả khía cạnh tâm lý và sinh lý của chứng rối loạn này. Các bác sĩ chuyên về rối loạn ăn uống nhấn mạnh các chiến lược sau để kiểm soát cân nặng hiệu quả ở những người mắc bệnh.
1. Giải quyết các yếu tố tâm lý tiềm ẩn:
Chứng rối loạn ăn uống vô độ tồn tại đồng thời với các vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo lắng, lòng tự trọng thấp về vóc dáng cơ thể. Điều cần thiết là phải giải quyết các yếu tố cơ bản này thông qua liệu pháp, chẳng hạn như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) hoặc liệu pháp hành vi biện chứng (DBT). Những liệu pháp này giúp các cá nhân phát triển kỹ năng đối phó, thách thức những suy nghĩ và niềm tin tiêu cực, đồng thời cải thiện lòng tự trọng, điều này cuối cùng có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt ăn uống vô độ.
2. Thúc đẩy việc ăn uống chánh niệm
Khuyến khích những người mắc bệnh chứng rối loạn ăn uống vô độ thực hành việc ăn uống có chánh niệm, bao gồm việc chú ý đến việc họ ăn bao nhiêu và ngăn ngừa việc ăn uống không cần thiết có thể giúp ích rất nhiều. Bằng cách tập trung vào các dấu hiệu đói và no, mọi người có thể điều chỉnh lượng thức ăn của mình theo cách tốt hơn và giảm khả năng xảy ra các đợt ăn uống vô độ. Điều quan trọng là khuyến khích những người mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ ăn chậm, thưởng thức từng miếng và nhận biết khi nào bản thân no và hài lòng.
3. Thiết lập chế độ ăn uống đều đặn
Các kiểu ăn uống không đều đặn, như bỏ bữa hoặc nhịn ăn, có thể làm tăng nguy cơ ăn uống vô độ. Khuyến khích mọi người thiết lập giờ ăn đều đặn và tránh tình trạng đói kéo dài có thể giúp giải quyết vấn đề này. Ăn các bữa ăn cân bằng bao gồm sự kết hợp của carbohydrate, protein và chất béo lành mạnh có thể giúp ổn định lượng đường trong máu và giảm cảm giác thèm ăn.
4. Tránh ăn kiêng hạn chế
Chế độ ăn kiêng hạn chế, bao gồm kế hoạch bữa ăn quá nghiêm ngặt hoặc chế độ ăn kiêng loại bỏ thực phẩm, có thể gây ra các đợt ăn uống vô độ ở những người mắc bệnh. Thay vào đó, hãy thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng về dinh dưỡng, nhấn mạnh đến sự đa dạng, điều độ và linh hoạt. Tất cả các nhóm thực phẩm phải được đưa vào chế độ ăn kiêng và phải thực hiện kiểm soát khẩu phần ăn thay vì tính toán lượng calo nghiêm ngặt.
5. Khuyến khích hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ góp phần tăng cường sức khỏe tổng thể mà còn có thể giúp điều chỉnh tâm trạng và giảm căng thẳng, cả hai đều là những yếu tố quan trọng trong việc quản lý chứng rối loạn ăn uống vô độ. Cụ thể, có thể kết hợp vào thói quen hàng ngày của mình, như đi bộ, bơi lội, yoga hoặc khiêu vũ. Tính nhất quán quan trọng hơn cường độ và mức độ hoạt động phải tăng dần theo thời gian.
6. Theo dõi tiến độ
Việc theo dõi thường xuyên cân nặng và hành vi ăn uống có thể giúp theo dõi tiến trình và xác định bất kỳ mô hình hoặc tác nhân nào gây ra các đợt ăn uống vô độ. Hợp tác với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác, như nhà trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng và các nhóm hỗ trợ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện.
Tóm lại, việc kiểm soát cân nặng ở những người mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ đòi hỏi một cách tiếp cận nhiều mặt nhằm giải quyết cả khía cạnh tâm lý cũng như sinh lý của chứng rối loạn này. Bằng cách thực hiện các chiến lược trên, những người mắc bệnh có thể đạt được và duy trì cân nặng hợp lý, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể của họ. Việc tư vấn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể giúp những người mắc bệnh trong hành trình phục hồi và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Theo Tiến sĩ Shabana Parveen, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Bệnh viện Artemis, Gurugram, Ấn Độ.