Cách bệnh dễ mắc trong mùa mưa bão
Sốt xuất huyết. Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mùa mưa bão hàng năm đồng thời cũng là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi. Để phòng bệnh, mọi nhà cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước tù đọng, diệt bọ gậy/loăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở thật sạch sẽ để không có nước đọng trong nhà tạo nơi sinh sản cho muỗi.
Bệnh đường hô hấp. Những ngày mưa kéo dài rất dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm. Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị.
Bệnh tiêu chảy cấp. Bệnh tiêu chảy thường gia tăng đáng kể sau mưa lũ. Do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn nên dễ mắc tiêu chảy. Các bệnh như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác. Bệnh tiêu chảy cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy cấp.
Đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao sau mùa mưa.
Chủ động phòng bệnh trong mùa mưa
Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay. Đối tượng cần chú ý giữ ấm cơ thể nhất là ở trẻ em và người già, nếu phải ra ngoài mưa cần tránh bị ướt, khi bị ướt về nhà nên tắm nước ấm ngay. Dùng các thức uống ấm như trà, súp, cháo giúp tăng nhiệt độ trong cơ thể.
Vệ sinh cá nhân quan trọng để phòng bệnh, trong đó chú trọng đến vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối pha loãng. Để phòng bệnh liên quan đến đường hô hấp mỗi sáng hoặc tối nên súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng. Luôn rửa tay trước ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hay khi tiếp xúc với nhiều người hay người đang bị cảm… Nên che miệng khi ho và hắt hơi để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
Hạn chế tiêu thụ chất cồn và thuốc lá. Chất cồn làm cơ thể bị mất nước và là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị suy yếu. Thuốc lá vô cùng nguy hiểm đối với cơ quan hô hấp, 80% các trường hợp ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư… Cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp duy trì thân nhiệt ổn định, loại bỏ các độc tố trong cơ thể. Nhu cầu trung bình hàng ngày cơ thể cần khoảng 2 lít nước, cần nhiều hơn khi làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, khi chơi thể thao, hay khi bị tiêu chảy, ói…
Có thể bổ sung vitamin C qua hình thức thuốc hay các thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn hàng ngày. Vitamin C giúp củng cố sức mạnh cho hệ thống miễn dịch của cơ thể. Ngủ đủ giấc giúp tái tạo sức khỏe sau một ngày dài làm việc. Người trưởng thành cần giấc ngủ 6 - 8 giờ trong ngày, người cao tuổi thì ít hơn và trẻ nhỏ thì dài hơn. Ngoài ra, đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên theo dõi lịch tiêm phòng, tiêm vaccine phòng cúm giúp tăng cường sức đề kháng, phòng các bệnh cúm hiệu quả cho trẻ.