Châu Anh (nữ sinh lớp 8) được mẹ đưa đến bệnh viện Da liễu Hà Nội khám vì khuôn mặt chi chít mụn. Ngoài mụn đầu đen, trên mặt bé còn rất nhiều cục sưng đỏ, thậm chí cả những ổ mụn dính sát vào nhau.
Mẹ nữ sinh cho biết, con bị mụn trứng cá ngay từ khi bắt đầu dậy thì. Chị cũng đã hướng dẫn con dùng sữa rửa mặt, không nặn mụn nhưng con không nghe. Tay lúc nào cũng đưa lên mặt sờ, nặn, cạy.
“Mặt con lúc nào cũng đầy vết móng tay cắm trên da. Có những vùng da tổn thương nhiều hơn, chầy xước, thâm đen chỉ vì con cố nặn ra cái mụn”, chị Nhung kể.
Tại bệnh viện, bé được kê đơn thuốc gồm sữa rửa mặt trị mụn, thuốc bôi, thuốc uống kèm theo lời dặn được nhắc lại nhiều lần của bác sĩ “không được cho tay lên mặt nặn mụn”
TS. BS Nguyễn Minh Quang, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho biết trong khi mụn trứng cá có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thì ở tuổi teen bị nổi mụn trứng cá nhiều hơn với 80% người trẻ tuổi bị mụn trứng cá trước 30 tuổi.
Mụn trứng cá có xu hướng giảm dần theo tuổi, nhưng cần các thói quen chăm sóc da tốt có thể cải thiện tình trạng da.
Theo đó, các triệu chứng của mụn trứng cá ở mức độ nghiêm trọng khác nhau và nổi bật nhất ở tuổi dậy thì. Những dấu hiệu trên các khu vực của cơ thể có nhiều tuyến dầu nhất (mặt, cổ, ngực, lưng, vai và cánh tay trên): Lỗ chân lông bị tắc (nổi mụn,mụn đầu đen và mụn đầu trắng); Bệnh sẩn (tổn thương tăng); Mụn mủ (tổn thương tăng có mủ); U nang (nốt sần chứa đầy mủ hoặc chất lỏng).
Tương tự tại Bệnh viện da liễu TP Hồ Chí Minh, theo thống kê trung bình mỗi ngày tiếp nhận điều trị khoảng 300 ca thì phần lớn là người trẻ ở tuổi dậy thì đến khám khi gặp vấn đề về da. Nhiều em không biết cách chăm sóc, dùng mỹ phẩm, nghe theo quảng cáo trên mạng không đúng cách làm da mặt bị thâm, nhiễm trùng...
P.T.T (15 tuổi, Phú Nhuận) với khuôn mặt nổi đầy mụn trứng cá sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Nghe người thân giới thiệu, em P. đến một spa nặn mụn. Tuy nhiên, sau khi nặn mụn xong, mặt em bị sưng lên, những chỗ được nặn lại mọc lên những mụn mủ. Lúc này, gia đình em mới đưa em đến bệnh viện khám, điều trị mụn.
Theo ThS Trần Nguyên Ánh Tú - Phó Trưởng khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cơ chế bệnh sinh gây mụn trứng cá rất phức tạp, liên quan đến bốn yếu tố chính là tắc lỗ nang lông tuyến bã do tăng sừng, tăng sinh vi khuẩn C.acne, tăng sản xuất bã nhờn và phản ứng viêm.
Một số yếu tố có thể làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá như chế độ ăn nhiều sản phẩm từ sữa (đặc biệt là sữa tách kem) và carbohydrate, thuốc, mỹ phẩm… Khi bị mụn, nhiều em đã có những xử lý không đúng như hay sờ tay lên mụn, nặn mụn. Hành động này sẽ làm lan tràn bụi bẩn, vi khuẩn trên da và làm mụn nặng hơn, dễ gây sẹo xấu.
Nguy hiểm hơn, các em còn tự tìm mua các "mỹ phẩm" điều trị mụn được quảng cáo là điều trị hết mụn nhanh, mới bôi lên tình trạng mụn có thể giảm "ảo", sau một thời gian ngắn mụn sẽ bùng lên dữ dội kèm theo các tình trạng tổn thương da khác.
Bác sĩ Ánh Tú nhấn mạnh, mụn trứng cá tùy theo độ nặng sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Ví dụ, ở mức độ nhẹ chỉ cần rửa sạch mặt và bôi thuốc là đã có thể kiểm soát được. Nhưng với mức độ nặng cần phải kết hợp với thuốc uống trong một thời gian.
Mụn trứng cá ở mức độ nào, giai đoạn nào cũng nên được điều trị càng sớm càng tốt nhằm giảm nguy cơ diễn tiến nặng hơn và có khả năng gây sẹo xấu. Do đó, tốt nhất khi có mụn các em nên đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Đặc biệt, khi bị mụn trứng cá không nên nặn, lể hay hút mụn, tránh chà xát lên da bằng khăn vải, miếng bọt biển hay bất cứ vật dụng nào khác vì sẽ gây kích ứng và làm mụn nặng hơn.