Theo nghiên cứu hiện đại, bột sắn dây có tác dụng khá phong phú như hạ nhiệt, cải thiện lưu lượng tuần hoàn não và động mạch vành tim, làm giảm đường huyết, điều hòa rối loạn lipid máu, hạ huyết áp, chống loạn nhịp tim, giải độc, bảo hộ tế bào gan, chống lão hóa và ung thư, dự phòng tích cực tình trạng nhiễm virut đường hô hấp, nâng cao năng lực chịu đựng của cơ thể trong tình trạng thiếu ôxy...
Thời gian gần đây, người ta thường “rỉ tai” nhau: bột sắn dây hại dạ dày, gây sỏi thận hay uống chung mật ong với sắn dây có thể gây chết người?
Theo các chuyên gia, thành phần của bột sắn dây chủ yếu là tinh bột, không có quá nhiều chất kali, nên khả năng gây sạn thận là rất ít.
Bột sắn dây khi uống cùng với mật ong cũng không nguy hiểm như một số người nghĩ, bởi 2 thức này không nằm trong nhóm tương phản nên không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa có nhiều lời khuyên còn dùng bột sắn dây để kết hợp chữa bệnh viêm loét dạ dày.
Điều cần tránh khi uống bột sắn dây
- Thói quen ướp hoa bưởi vào sắn dây để nước uống được thơm hơn, tuy nhiên thói quen này nên bỏ bởi hoa bưởi là làm giảm dược tính của bột sắn dây một cách đáng kể.
- Đối với trẻ em, bột sắn dây là một dạng tinh bột lọc ra từ cây sắn dây và ở dạng “sống”, có tính hàn rất mạnh. Các bộ phận của trẻ em nhìn chung còn yếu ớt nên nếu dùng sống sẽ dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy. Nếu cho trẻ ăn cần quấy chín bột sắn sẽ làm cho tính hàn giảm bớt, đồng thời vừa dễ tiêu và hấp thụ tốt hơn.
- Đối với phụ nữ trong thai kỳ, nếu cơ thể bạn đang nóng thì uống nước sắn dây là rất tốt, nhưng nếu bạn thấy người mình đang lạnh, cơ thể mệt mỏi có biểu hiện tụt huyết áp thì bạn không nên uống vì sắn dây sẽ làm tăng tính lạnh của cơ thể bạn làm bạn mệt mỏi hơn.
Trường hợp thai phụ có dấu hiệu bị động thai, mà do dạ con co bóp nhiều thì không được dùng bột sắn dây.
- Tốt nhất, không nên uống nước sắn dây sống mà bạn nên đun chín. Đặc biệt, chỉ nên cho 1 chút đường, vì uống đường nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.
Lưu ý: Kể cả những người khỏe mạnh bình thường cũng không nên uống quá 1 ly nước sắn dây/1 ngày
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng sắn dây:
- Chảy máu mũi: Củ sắn dây tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần một chén con.
- Chống ngứa do mồ hôi: Bột sắn dây 5g, thiên hoa phấn 5g, hoạt thạch 20g, trộn đều, rắc lên những nơi ẩm ngứa.
- Cảm nắng, sốt nóng, nhức đầu: Bột sắn dây 12g hoà đường uống; hoặc dùng cát căn 20g, đậu ván (sao) 12g, giã giập, sắc nước uống trong ngày.
- Vùng ngực bụng nóng cồn cào, khát nước: Bột sắn dây 120g, gạo tẻ 15g. Gạo tẻ ngâm nước một đêm, chắt bỏ nước, trộn đều với bột sắn dây, nấu cháo ăn trong ngày.
- Ngộ độc thức ăn, đại tiện ra máu do ăn phải đồ nóng, độc: Củ săn dây tươi, ngó sen tươi 2 thứ giã nát, vắt lấy 500ml nước cốt mỗi thứ, hoà đều, uống dần.
- Đau bụng đi ngoài giống kiết lỵ: Dùng bột sắn dây quấy đường uống; hoặc dùng cát căn 30g, rau má 20g giã nát, chế thêm nước, vắt lấy nước cốt uống trong ngày.
- Ngộ độc rượu: Cho bột sắn dây vào cốc nước, khuấy đều cho tan bột, sau đó cho đường và cuối cùng vắt lấy 1 thìa nước cốt chanh, có thể thêm đá cho dễ uống. Trường hợp không muốn uống đường, có thể thay thế bằng một chút muối, cách này mặc dù khó uống hơn, nhưng tác dụng mang lại là hiệu quả hơn.
Cách phân biệt bột sắn dây nguyên chất
- Bột sắn dây thật là loại bột hạt to, sắc cạnh, có màu trắng tinh khiết, có hương thơm tự nhiên đặc trưng của bột sắn dây, bột khô, không ẩm. Khi đưa lên miệng cắn, bột sắn dây thật có vị giòn tan, tan nhanh trong miệng và thấy ấm nơi đầu lưỡi. Bột sắn dây sau khi tan ra lưỡi chúng ta sẽ cảm nhận được sự mềm mịn và không có hạt sạn nào cả.
- Ngược lại, nếu là bột sắn dây giả, bột có lẫn nhiều tạp chất thì viên bột không sắc cạnh, hạt nhỏ. Khi quan sát không có màu trắng tự nhiên, thường không có mùi thơm hoặc rất nặng mùi, khi cắn thử thấy viên bột mềm.
- Ngoài ra, khi đi mua bột sắn dây, bạn không nên mua loại bột đã được ướp hoa bưởi vì rất dễ bị mốc, hoặc do người làm giả ướp hoa bưởi lên để khư mùi ẩm mốc của bột sắn dây giả. Vì vậy, bạn nên mua bột thật khô, thật giòn thì mới để được lâu.