Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Đây là căn bệnh phổ biến, dễ bùng phát trong các mùa giao thời, với khả năng lây lan rất cao qua đường hô hấp.
Hầu hết người mắc cúm mùa sẽ hồi phục trong 1-2 tuần, nhưng bệnh vẫn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong. Những đối tượng có nguy cơ cao bao gồm:
- Trẻ nhỏ, người cao tuổi.
- Phụ nữ mang thai.
- Nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây.
- Những người mắc các bệnh lý nền hoặc đang điều trị bệnh nặng.
Triệu chứng phổ biến của cúm mùa
Cúm mùa có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng và thường bắt đầu đột ngột, khác với cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng ban đầu bao gồm:
- Sốt đột ngột, ho, đau đầu, đau cơ và khớp.
- Đau họng, mệt mỏi, chảy nước mũi.
Ở các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể:
- Sốt cao 39-40°C, nhức đầu dữ dội.
- Đau nhức toàn thân, ho dữ dội, suy nhược nặng.
- Gặp triệu chứng về tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói.
Cúm mùa có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, bệnh tim mạch, nhiễm trùng huyết. Bệnh cũng rất dễ lây qua giọt bắn từ nước bọt hoặc dịch tiết mũi khi người bệnh ho, hắt hơi.
Khuyến cáo phòng chống cúm mùa từ HCDC
Để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, HCDC đưa ra các khuyến nghị sau:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch để loại bỏ vi khuẩn, virus.
- Đeo khẩu trang nếu có triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc khi tiếp xúc với người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc gần với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Che mũi và miệng bằng khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo khi ho, hắt hơi để giảm nguy cơ lây lan virus.
- Tăng cường sức khỏe thông qua chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung rau xanh, trái cây giàu vitamin và vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Khi có triệu chứng nghi ngờ cúm như sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
- Không tự ý dùng thuốc kháng sinh, kháng virus, vì có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc hoặc biến chứng nặng hơn.
Cúm mùa không chỉ là bệnh thường gặp mà còn có nguy cơ đe dọa sức khỏe, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao. Việc chủ động phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân và hạn chế sự lây lan trong cộng đồng