Nội dung bài viết
Đa số các mẹ bầu sẽ mắc tình trạng này. Chỉ có mức độ nặng nhẹ là khác nhau ở mỗi người. Bạn cần phải tìm cách phục nó bởi mất ngủ lâu dài sẽ dẫn đến sức khỏe suy nhược, hoàn toàn không tốt cho cả mẹ và bé.
1. Vì sao bà bầu khó thở về đêm?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bà bầu khó thở về đêm có thể kể đến như sau:
1.1. Do sự thay đổi hormone trong cơ thể người mẹ
Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể mẹ thay đổi đột ngột. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những cảm giác khó chịu khi mang thai. Cụ thể là hormone progesterone tăng rất nhanh sẽ tác động đến phổi, kích thích các trung tâm hô hấp trên não bộ. Điều này dẫn đến một loạt những triệu chứng khó thở, hụt hơi. Đặc biệt là vào ban đêm khi mẹ nằm xuống.
1.2. Do sự phát triển của bào thai ngày càng lớn chèn ép cơ hoành hoạt động
Tử cung của bạn sẽ lớn dần cùng với sự phát triển của bào thai để chứa đựng nó. Tử cung to ra sẽ chèn ép lên cơ hoành, là cơ quan hoạt động cùng phổi, giúp đưa khí vào bên trong phổi dẫn đến hiện tượng bà bầu khó thở về đêm.
Đặc biệt là đối với những thai nhi hay quẫy đạp trong bụng mẹ sẽ làm chèn ép cơ hoành. Đôi khi làm mẹ bị ngất xỉu do không thể thở được. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng bà bầu khó thở 3 tháng cuối.
Bên cạnh đó, một số mẹ có mức độ hít thở khó khăn còn tùy thuộc vào đầu của em bé nằm ở vị trí nào. Trước khi thai nhi quay đầu và tiến gần đến xương chậu, đầu của bé có thể nằm ở dưới xương sườn hay ấn vào cơ hoành của mẹ làm cho mẹ cảm thấy khó thở hơn.
1.3. Do tim hoạt động mạnh
Khi mang thai, đặc biệt là những tháng cuối lượng máu trong cơ thể tăng lên khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để vận chuyển máu đến nhau thai nuôi dưỡng thai nhi. Điều này cũng làm cho các mẹ bầu hít thở khó khăn hơn.
1.4. Do tình trạng tích nước trong cơ thể
Đa số các mẹ khi mang thai đều bị phù nề do tích nước quá nhiều. Việc tích nước này sẽ làm ảnh hưởng đến phổi và xoang mũi cũng gây nên hiện tượng khó thở cho mẹ bầu.
1.5. Do thiếu máu
Trong thai kỳ, mẹ phải cung cấp dinh dưỡng của mình cho thai nhi qua dây rốn. Nếu không được bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu chất. Một trong những chất dễ bị thiếu nhất là sắt để tạo máu. Thiếu máu cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu khó thở về đêm.
Ngoài ra, thiếu máu còn dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu khác trong quá trình mang thai như: Chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, da dẻ xanh xao, dễ suy kiệt sức lực, móng tay giòn dễ gãy, mệt mỏi… Vì vậy, mẹ hãy chú ý bổ sung sắt trong giai đoạn này để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
1.6. Do một số bệnh lý khác
Ngoài những nguyên nhân sinh lý bình thường do mang thai kể trên thì mẹ bầu khó thở về đêm có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác như: hen suyễn, cao huyết áp, suy tim… Nếu nghi ngờ các dấu hiệu thuộc bệnh này thì mẹ nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, có hướng điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc về sau.
2. Mẹ bầu mất ngủ về đêm có gây nguy hiểm không?
Đa số các trường hợp bà bầu khó thở về đêm là hiện tượng sinh lý bình thường. Đặc biệt là khi bào thai càng lớn thì hiện tượng khó thở càng tăng cao hơn. Kích thước tử cung tăng nhanh sẽ chèn ép cơ hoành khiến mẹ bầu khó thở khi nằm. Nhất là khi ngủ vào ban đêm nên các mẹ thường hay mất ngủ.
Hầu hết các mẹ sẽ tự trải qua được khi có các biện pháp khắc phục phù hợp. Nó chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu, mệt mỏi do mất ngủ, không gây nguy hiểm đến thai nhi.
Tuy nhiên nếu mẹ chủ quan để mất ngủ trong thời quá dài sẽ dẫn đến cơ thể mẹ suy nhược, tinh thần mệt mỏi, không vui tươi sẽ có tác động tiêu cực đến thai nhi. Bởi theo các nghiên cứu, khi mang thai tâm trạng vui vẻ hay buồn bã của mẹ có liên quan đến tính cách của đứa trẻ sau này.
Đặc biệt nếu những bà bầu ho khó thở về đêm, cảm sốt kéo dài, nhịp tim tăng nhanh, da dẻ xanh xao, chân tay sưng đỏ… hãy lập tức đến thăm khám càng sớm càng tốt.
3. Cách xử lý khi bà bầu khó thở về đêm
Không có biện pháp nào có thể trị dứt điểm căn bệnh này. Chỉ có cách “sống chung với lũ” nhưng phải tìm biện pháp cải tạo nó nhẹ nhất. Về cơ bản, chỉ cần điều chỉnh cách sinh hoạt là có thể cải thiện được tình trạng này một cách đáng kể.
3.1. Chọn tư thế nằm
Khi bụng to, nhất là ở những tháng cuối thai kỳ, bà bầu sẽ vô cùng mệt mỏi và chật vật với cái bụng quá khổ của mình. Lúc này bà bầu thường bị khó thở về đêm nhiều nhất, đặc biệt là khi nằm ngủ. Vì vậy bạn cần phải biết cách lựa tư thế nằm để hạn chế bớt triệu chứng này.
Tư thế nằm lý tưởng nhất là nghiêng sang bên trái để tử cung không đè lên động mạch chủ, giúp việc hít thở dễ dàng hơn. Mẹ có thể kê thêm một chiếc gối nhỏ ở sau lưng để giảm bớt áp lực lên phổi cũng giảm thiểu đáng kể tình trạng khó thở về đêm cho bà bầu.
Ngoài ra mẹ cũng không nên nhất thiết nằm theo một tư thế nhất định. Khi cảm thấy khó thở, nên thay đổi tư thế cho đến khi mình cảm thấy dễ thở nhất.
3.2. Kê cao gối và chân
Để giảm thiểu tình trạng bà bầu khó thở về đêm, bạn nên kê gối cao để mở đường thở thông thoáng hơn giúp bạn dễ thở hơn. Bên cạnh đó bạn cũng nên kê cao chân để máu lưu thông tốt hơn.
3.3. Chọn tư thế ngồi
Thường khi nằm mẹ bầu mới khó thở. Tuy nhiên vẫn có nhiều mẹ ngay cả ngồi cũng khó thở. Lúc này mẹ nên chọn tư thế ngồi thẳng lưng, vai đẩy ra sau để không khí dễ dàng lưu thông vào phổi.
3.4. Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái
Có một yếu tố mà ít mẹ để ý đó là trang phục cũng khiến mẹ khó thở hơn khi nằm ngủ nếu mẹ mặc đồ chật chội, không vừa với cơ thể, không có độ co giãn tốt. Vì vậy, trong thời gian mang thai, ít nhất là lúc ngủ mẹ nên lựa chọn những trang phục thoáng mát, rộng rãi để giúp hệ hô hấp hoạt động tốt hơn, giúp mẹ dễ thở hơn khi ngủ.
3.5. Tập thể dục vừa phải, yoga đều đặn
Vận động chính là cách tốt nhất giúp cải thiện sự hô hấp của phổi và tim, giúp cơ thể điều hòa hơi thở và kiểm soát được lượng oxy nạp vào cơ thể. Từ đó giúp kiểm soát được hiện tượng bà bầu khó thở về đêm tốt hơn.
3.6. Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học
Như đã biết, thiếu máu cũng là nguyên nhân khiến bà bầu khó thở về đêm. Vì vậy trong khẩu phần ăn hằng ngày mẹ cần biết cân đối cung cấp đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể không bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.
Có thể thấy rằng, tình trạng bà bầu khó thở về đêm không phải hiếm gặp mà nó rất phổ biến và là những triệu chứng bình thường của quá trình mang thai. Về cơ bản nó sẽ không gây nguy hiểm nhưng kéo dài sẽ khiến mẹ mệt mỏi có thể dẫn đến suy nhược.
Vì vậy, mẹ bầu cần chủ động tìm hiểu để biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân cùng như giảm thiểu được những triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mang thai. Mẹ cũng đừng ngần ngại chia sẻ cùng người thân để được giúp đỡ trong mọi trường hợp.