Táo bón là tình trạng đi tiêu không thường xuyên hoặc đi ngoài khó khăn kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn. Thông thường, táo bón được mô tả là có ít hơn 3 lần đi tiêu mỗi tuần, phân thường to và khô, cứng hoặc vón cục. Đôi khi, bạn cảm thấy sợ hoặc đau đớn khi đi đại tiện.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến có thể gây ra tình trạng này mà rất nhiều người mắc phải.
Cực kỳ căng thẳng
Theo tạp chí Women' Health, khi bạn bị căng thẳng, để bảo vệ cơ thể, các chức năng ưu tiên như thần kinh, tuần hoàn, nội tiết được kích hoạt. Tiêu hóa lúc này không phải là chức năng ưu tiên nên hoạt động bị chậm lại, dẫn đến tình trạng táo bón.
Ngoài ra, stress kéo dài sẽ làm bạn thay đổi thói quen như lười vận động, ít uống nước... Tất cả góp phần làm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa và có thể gây bệnh táo bón.
Không uống đủ nước
Chất lỏng, đặc biệt là nước, giữ cho đường tiêu hóa vận hành trơn tru hơn. Bạn không cần phải quá chú tâm vào việc uống bao nhiêu ly nước mỗi ngày. Thay vào đó, hãy giữ một chai nước bên mình và nhớ nạp nước vào cơ thể cả ngày.
Tuy nhiên, các chất lỏng khác như cà phê và nước ngọt có thể khiến bạn bị mất nước, khiến chứng táo bón càng tồi tệ hơn.
Ăn ít chất xơ
Chất xơ giúp hấp thụ nước và làm tăng thể tích khối chất thải trong ruột già. Sự gia tăng này rất có ích cho ruột già để chuyển chất thải sang dạng phân. Để giữ nhu động ruột khỏe mạnh, mỗi người trưởng thành cần ít nhất 25 g chất xơ mỗi ngày.
Một số thực phẩm giàu chất xơ như khoai lang, cam, táo, bông cải xanh, các loại hạt, đậu xanh, chuối, cà rốt, rau bina, củ cải đỏ, súp lơ…
Lười vận động
Theo Healthgrades, nếu bạn lười tập thể dục và ngồi liên tục, bạn có thể bị táo bón. Thậm chí, đột ngột dừng lại khi đang tập luyện đều đặn cũng có thể gây ra tình trạng này. Việc thay đổi những gì cơ thể bạn đã quen có thể ảnh hưởng đến các hệ thống khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả việc khiến ruột xử lý thức ăn theo cách khác.
Vì vậy, hãy tập thể dục mỗi ngày, không cần phải tập cường độ cao nhưng hãy cố gắng duy trì thành thói quen. Đôi khi việc đơn giản như đi bộ 15 phút mỗi ngày cũng có thể mang lại hiệu quả với sức khỏe.
Tuyến giáp hoạt động kém
Suy giáp, tình trạng do tuyến giáp hoạt động kém gây ra, có thể là thủ phạm gây táo bón. Tuyến giáp hoạt động bình thường sẽ giải phóng những hormone có liên quan đến các quá trình khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả hệ tiêu hóa. Nếu không có đủ các hormone quan trọng này, ruột của bạn có thể yếu đi và hoạt động chậm lại, gây táo bón.
Mang thai
Bất kỳ ai cũng có khả năng bị táo bón nhưng phụ nữ mang thai lại là trường hợp có nguy cơ cao. Táo bón có thể xuất hiện ở mọi thời điểm trong thai kỳ. Thông thường, nguyên nhân gây ra táo bón ở phụ nữ mang thai có thể là sự thay đổi hormone, sự chèn ép của thai nhi lên ruột, sử dụng thuốc sắt, ăn uống không đủ chất xơ và nước, thiếu vận động.
Nhịn đại tiện
Đây là thói quen của rất nhiều người khi cuộc sống, công việc quá bận rộn. Tuy nhiên, nó không hề tốt. Khi bạn nhịn, cơn buồn đại tiện có thể qua đi nhưng chất thải vẫn nằm lại ở ruột già. Sự tích tụ này gây nên tình trạng thiếu nước ở ruột, khiến chất thải cứng hơn, từ đó dẫn đến táo bón. Bởi vậy, bất kể bạn đang ở đâu, hãy sử dụng nhà vệ sinh ngay khi bạn cảm thấy cần đại tiện.
Mắc bệnh mạn tính như IBS
Nếu táo bón của bạn dai dẳng và kèm theo đau, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Họ có thể chẩn đoán bạn bị rối loạn tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS). Đây là chứng rối loạn rất phổ biến, có thể gây tiêu chảy hoặc táo bón.
Rối loạn ăn uống
Những phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống có thể hạn chế các loại thực phẩm giàu chất xơ khiến họ cảm thấy no hoặc đồ uống nhằm nỗ lực cắt giảm lượng calo. Điều này có thể tàn phá hệ thống tiêu hóa. Những người mắc chứng rối loạn ăn uống cũng có thể lạm dụng một số loại thuốc nhuận tràng khiến chứng táo bón càng tồi tệ hơn.