Chỉ số UV tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang được Đài Khí tượng Thủy văn khu vực cảnh báo đạt mức rất cao (từ 8 –10, mức cao nhất là 12). Thời gian gây bỏng khoảng 25 phút nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Vì vậy, người dân ra đường trong thời gian này cần có những biện pháp bảo vệ phù hợp, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 15 giờ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Châu, Chuyên khoa da liễu Bệnh Viện Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết: “Trong các nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ UV (hay còn gọi là Tia cực tím, Tia tử ngoại, Tia UV) thì các tác hại phổ biến của tia UV với làn da có thể kể tới như: khiến làn da trở nên đen, sạm; gây nám, tàn nhang, lão hóa sớm cho da; tăng độ nhạy cảm trên da, khiến da trở nên mẫn cảm, dễ dị ứng hoặc bỏng rát da; gây ra và thúc đẩy bệnh ung thư da”.
Thực tế, ngay cả khi chỉ số tia UV không quá cao, vẫn có khoảng 80% người đã bị lão hóa da trong khoảng 20 năm đầu đời, do không được phòng chống tác hại của tia UV đúng cách.
Do đó, bác sĩ Bích Châu đã chia sẻ những cách chống bắt nắng hiệu quả và phổ biến cho da như sau:
Bôi kem chống nắng bên ngoài
Thoa kem chống nắng là biện pháp bảo vệ da truyền thống được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Kem chống nắng toàn thân có hai loại chính: Kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý.
Kem chống nắng hóa học sử dụng một số thành phần hóa chất có khả năng thấm hút nhanh, tạo ra một màng lọc tia UV và phân hủy tia UV trước khi chúng xâm nhập và làm hại đến da.
Kem chống nắng hóa học có ưu điểm ở chỗ không để lại “dấu vết” trên da sau khi sử dụng, hạn chế gây nhờn dính.
Tuy nhiên, nhược điểm của nó là độ bền không cao, cần bôi lên da 30 trước khi ra nắng và bôi lại sau 2 – 3 tiếng sử dụng. Bên cạnh đó, kem chống nắng hóa học còn có khả năng gây kích ứng da, làm rối loại nội tiết tố, gây ung thư vú.
Kem chống nắng vật lý chứa thành phần kẽm oxit và titan đi-oxit khá lành tính nên ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhược điểm của dòng sản phẩm này là gây bết dính da, nổi mụn và để lại vết trắng gây mất thẩm mỹ trên da.
Sử dụng công cụ chống nắng cơ học
Chống nắng cơ học là biện pháp tận dụng những công cụ chống nắng như mũ, áo vải chống nắng, ô dù, găng tay, khẩu trang và kính chống nắng để bảo vệ da mỗi khi đi ra ngoài.
Chống nắng bằng việc che chắn không gây tổn hại cho sức khỏe nhưng hiệu quả mang lại không cao. Tia UVA có bước sóng dài nên vẫn âm thầm xuyên qua lớp kính xe, vải áo chống nắng, bóng râm để tác động đến lớp hạ bì của da, gây sạm nám, tàn nhang, lão hóa và ung thư da.
Bổ sung các chất chống oxy hóa qua đường uống
Người có chế độ dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa và chất kháng viêm tự nhiên sẽ giúp bảo vệ da khỏi các tác hại gây ra bởi ánh nắng mặt trời. Trái cây và rau xanh có chứa một số loại vitamin có tính chống oxy hóa cho cơ thể nhưng không đủ để bảo vệ da một cách toàn diện.
Vì vậy, có thể bổ sung các chất chống oxy hóa qua đường uống bằng những loại thuốc chống nắng toàn thân (viên dạng nén, nang hoặc sủi bọt).
Như vậy, tùy vào mục đích và nhu cầu sử dụng, bạn có thể lựa chọn một hoặc cả ba cách chống bắt nắng cho da phổ biến nói trên để bảo vệ làn da mình trong những ngày sắp tới.
Về bản chất, bức xạ UV (hay còn gọi là Tia cực tím, Tia tử ngoại, Tia UV) là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X, chúng không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Trong các nghiên cứu về ảnh hưởng của tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời lên sức khỏe con người và môi trường, phổ của tia cực tím chia ra làm các phần:
- Tia UVC: Có bước sóng trong khoảng từ 100 đến 280 nm. Đây là vùng tia UV có năng lượng cao nhất.
- Tia UVB: Vùng bức xạ này có bước sóng dài hơn (khoảng 280 đến 315 nm) và năng lượng thấp hơn vùng tia UVC.
- Tia UVA: Vùng tia này gần với vùng ánh sáng nhìn thấy, có năng lượng thấp hơn vùng tia UVB và UVC (có bước sóng nằm trong khoảng 315 đến 380 nm).
Những tác hại phổ biến của tia UV với làn da:
Khiến làn da trở nên đen, sạm
Hiện tượng da bị đen, sạm, không đều màu phụ thuộc chính vào lượng hắc tố melanin (sắc tố melani đen) trên da.
Khi tiếp xúc với tia cực tím, nhất là khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, da sẽ có phản ứng sản sinh ra hắc tố melanin để chống lại và khiến da đổi sang tối màu. Càng tiếp xúc nhiều với tia cực tím, da càng sản xuất ra nhiều hắc tố melanin và càng khiến da bị đen nhiều hơn.
Gây lão hóa sớm cho làn da
Da sẽ bị lão hóa khi tiếp xúc với tia cực tiếp. Tia này có thể tác động tới tận lớp hạ bì, đặc biệt là sự xuyên thấu mạnh qua các lớp da.
Khi đó, tia cực tím sẽ khiến cho các liên kết Collagen và Elastin của da bị đứt gãy, giảm tính đàn hồi và dẫn đến tình trạng da khô, nếp nhăn, chảy xệ cũng như xuất hiện vết nám hoặc các đốm nâu.
Thực tế, có khoảng 80% người đã bị lão hóa da trong khoảng 20 năm đầu đời do tác động của tia UV. Nguyên nhân do không được chống tác hại của chúng một cách hiệu quả.
Gây ra và làm nặng thêm tình trạng nám da và tàn nhang trên da
Nám da và tàn nhang có thể do nhiều nguyên nhân như di truyền, suy giảm nội tiết, tác dụng phụ của mỹ phẩm không an toàn,…
Một trong những nguyên nhân tác động mạnh và dễ mắc nhất chính là tia cực tím. Tia cực tím tác động lên da làm tăng sản sinh hắc tố melanin, đó chính là nguyên nhân gây ra và làm nặng thêm tình trạng nám da, tàn nhang trên da.
Tăng độ nhạy cảm trên da, khiến da trở nên mẫn cảm, dễ dị ứng hoặc bỏng rát da.
Tia UV gây tình trạng suy giảm miễn dịch của da. Khiến cho da mẫn cảm hơn, dễ bị dị ứng hơn khi tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng da như mỹ phẩm, đồ ăn, thời tiết thay đổi…
Tia UVB trong ánh mặt trời làm gia tăng sự sản sinh tế bào sừng của da, khiến lớp thượng bì bị dày sừng thô ráp. Điều này càng bất lợi cho người có da nhạy cảm hoặc bị trứng cá.
Việc lặp đi lặp lại hoặc kéo dài việc chịu tác động của tia cực tím có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Gây ra và thúc đẩy bệnh ung thư da
Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư da là do tiếp xúc quá nhiều với tia tử ngoại khiến cấu trúc da bị phá hủy.
Chính vì vậy, những người ra nắng nhiều lần hay trong thời gian dài đều có khả năng bị ung thư da, đặc biệt nếu da không được che phủ hay bôi kem chống nắng.
“