Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra con số về mối liên quan giữa đặt túi nâng ngực và ung thư. Theo đó, có 457 phụ nữ ở Mỹ được xác định bị ung thư lympho tế bào khổng lồ sau khi đặt túi nâng ngực (giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018), trong đó, 9 người đã tử vong.
Thông tin trên đã khiến dư luận hoang mang, nhất là đối với những chị em đã từng phẫu thuật đặt túi ngực cũng như với những người đang có ý định với phương pháp làm đẹp này.
Theo ThS Nguyễn Minh Nghĩa, Giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình (Đại học Y Hà Nội), ung thư lympho tế bào khổng lồ lần đầu tiên được chẩn đoán và phát hiện vào năm 1997.
Đây là loại ung thư xuất hiện kèm với việc đặt túi ngực nhưng có tỷ lệ cực thấp. Thời gian xuất hiện trung bình khoảng 10 năm sau khi đặt túi nâng ngực.
Triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất khi bị ung thư lympho tế bào khổng lồ là tụ dịch bất thường quanh túi, tăng thể tích ngực và gây đau. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có các triệu chứng như đỏ da vùng ngực, sờ thấy khối bất thường.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là tất cả những người đã đặt túi độn ngực đều có nguy cơ bị ung thư vì còn phụ thuộc vào loại túi ngực được sử dụng.
Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, BV Xanh Pon, Hà Nội, trên thực tế, tai nạn từ các ca phẫu thuật vòng một xảy ra không phải ít. Có 3 nguyên nhân dẫn tới các tai biến khi tạo hình ngực là: Phẫu thuật ở nơi không có điều kiện an toàn về vô trùng, trang thiết bị không đảm bảo; chất liệu nguồn gốc không rõ ràng, kém gây dễ vỡ; thứ 3 do là kỹ thuật viên không có chuyên môn.
Tại Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ của BV Xanh Pon, đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị “rò rỉ” túi ngực, biến dạng ngực đến chỉnh sửa, tạo hình lại. Đa phần các trường hợp này vào viện do biến chứng từ việc tiến hành phẫu thuật nâng ngực ở những cơ sở không phải là bệnh viện.
Nhiều bệnh nhân được đặt túi ngực một cách cẩu thả từ những bác sỹ chưa thạo chuyên môn. Chẳng hạn như, khi phẫu thuật phần mở rộng da không đủ chỗ để cho vừa túi ngực định đặt. Vì quá chật nên túi ngực đặt cho bệnh nhân bị gấp nếp, sau một thời gian dẫn đến chèn ép làm vỏ túi bị rách.
Silicon sẽ tiếp xúc với mô ở xung quanh, kích thích cơ thể tiết ra huyết thanh. Huyết thanh đấy tăng khối lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào chất lượng của túi. Túi càng kém chất lượng bao nhiêu thì khối huyết thanh ra càng nhanh, khối lượng lớn dẫn tới tình trạng căng tức.
GS.TS Trần Thiết Sơn cho biết thêm, ngoài biến chứng rách túi, quá trình phẫu thuật cũng có thể gặp một số tình trạng khác như chảy máu trong khoang đặt túi sau phẫu thuật, nhiễm trùng chậm, bao xơ co thắt, vôi hóa bao xơ… Cũng có nhiều trường hợp, đặt túi ngực không đúng vị trí do tay nghề kỹ thuật non kém gây ra tình trạng “4 ngực” gồm hai túi ngực độn lên trên, hai bầu ngực bị đẩy xô xuống.
GS.TS Trần Thiết Sơn cảnh báo, thay vì tìm đến các bệnh viện tư, thẩm mỹ viện không đảm bảo chị em nên đến các bệnh viện có uy tín để được tư vấn thật kỹ với các bác sĩ chuyên gia, có chuyên môn tốt trước khi tiến hành phẫu thuật.
Những người muốn đặt túi ngực phải có sức khỏe tốt. Trước khi tiến hành nâng túi ngực cần phải tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện, xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang, điện tâm đồ… Người bệnh càng không nên “giấu” bệnh để bác sỹ đặt túi ngực cho mình.
Cần cho các bác sỹ biết về tiền sử bệnh tật hoặc các thuốc bị dị dứng nếu có. Với những trường hợp đang điều trị bệnh lý nội khoa như tim mạch, cao huyết áo, rối loạn đông máu… thì không nên thực hiện phẫu thuật đặt túi ngực.