1. Người bị trào ngược dạ dày - thực quản nên ăn gì, kiêng gì?
Bình thường, sau khi thức ăn được đưa vào miệng và xuống đến thực quản, các cơ thắt thực quản giãn ra để cho thức ăn cùng các chất lỏng đi vào dạ dày rồi đóng lại. Tuy nhiên, người bị trào ngược sẽ gặp tình trạng axit từ dạ dày đẩy ngược lên phần thực quản.
Trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng dịch và thức ăn trong dạ dày trào ngược lên vùng thực quản, họng, thậm chí là miệng và gây ra các các triệu chứng như: ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau tức, nóng rát ngực, viêm họng...
Nếu để kéo dài có thể gây nên các biến chứng như viêm loét thực quản, hẹp thực quản, thậm chí là ung thư thực quản.
Vì vậy, các chuyên gia tiêu hoá khuyến cáo, khi có dấu hiệu trào ngược dạ dày - thực quản, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị phù hợp. Ngoài việc dùng thuốc thì điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống cũng là biện pháp hiệu quả giúp cải thiện các triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản.
Người bệnh nên ăn các loại thức ăn giàu chất xơ, đạm dễ hấp thu như: rau xanh, trái cây, cá, trứng, thịt gia cầm bỏ da, hải sản… Nên ăn các món luộc, hấp, hạn chế chiên, xào, nướng.
Hạn chế ăn một số loại quả chua có tính axit như cam, chanh, bưởi…; Nước ngọt có gas.
Nên tránh các loại đồ ăn có thể gây kích ứng dạ dày, thực quản như thức ăn cay, gia vị mạnh, thực phẩm chế biến sẵn và các loại đồ ăn nhiều chất béo như: mỡ động vật, đồ ăn chiên, xào, rán, nướng…
2. Vì sao người bị trào ngược dạ dày - thực quản nên tránh đồ ăn nhiều chất béo?
Theo TS. BS Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, cơ thể chúng ta cần chất béo từ thực phẩm để hoạt động. Tuy nhiên, không phải tất cả các chất béo trong thực phẩm đều giống nhau và có một số chất béo có lợi và một số không có lợi cho sức khỏe.
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo có thể kích hoạt triệu chứng trào ngược dạ dày-thực quản, đó là những thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu như chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa trong đồ ăn chiên rán, thức ăn nhanh, thịt đỏ, đồ nướng, thịt chế biến sẵn…
Các loại thực phẩm giàu chất béo trên có thể khiến cơ thắt dưới thực quản giãn ra, cho phép nhiều axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Ngoài ra khi ăn những thực phẩm này thường gây đầy hơi, khó tiêu. Cả hai đều có thể làm tăng khả năng trào ngược.
Ăn quá nhiều thực phẩm chiên rán và nhiều chất béo xấu cũng dễ dẫn đến béo phì, là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản.
3. Mẹo ăn uống giúp cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản
- Nên ăn chậm, nhai kỹ: Quá trình tiêu hóa bắt đầu trong miệng, vì vậy thức ăn cần được nhai kỹ trước khi nuốt. Ăn chậm, nhai kỹ sẽ giúp dạ dày hoạt động tốt hơn. Nếu bạn không nhai kỹ để phá vỡ hoàn toàn thức ăn, sẽ không có nhiều axit trong dạ dày để hỗ trợ tiêu hóa đúng cách.
Sự kết hợp giữa axit trong dạ dày thấp và thực phẩm chưa được làm nhỏ hoàn toàn có thể gây ra khí, trào lên thực quản và cổ họng dẫn đến chứng trào ngược axit, ợ chua rất khó chịu. Ngoài ra, dư thừa axit cũng cản trở hấp thu dinh dưỡng từ thực phẩm.
- Không ăn quá nhiều, ăn quá no: Ăn quá nhiều, ăn quá no sẽ khiến bạn gặp tình trạng ậm ạch, khó chịu. Thức ăn dư thừa trong dạ dày có thể dẫn đến cảm giác đầy hơi đầy hơi, khó tiêu và trào ngược axit.
Vì vậy, người bệnh nên chia nhỏ bữa trong ngày, không nên ăn quá nhiều mỗi bữa, không nên uống quá nhiều nước mỗi lần. Triệu chứng đầy hơi, trào ngược axit có thể cải thiện nếu chúng ta ăn 4-6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày, thay vì ăn 3 bữa chính với khối lượng thức ăn nhiều trong mỗi lần.
- Không ăn sát giờ đi ngủ, nên ăn bữa tối cách thời gian đi ngủ khoảng 3 giờ. Sau ăn nên vận động nhẹ nhàng, không nên nằm ngửa.