Theo một nghiên cứu do Đại học College London thực hiện, các nhà khoa học đã theo dõi 13 em bé sơ sinh và phát hiện ra rằng việc nấc cụt đã kích hoạt một làn sóng tín hiệu não lớn giúp hỗ trợ sự phát triển của bé.
Lorenzo Fabrizi, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết việc não bộ hoạt động như vậy có thể giúp các bé “học cách theo dõi các cơ hô hấp”, cuối cùng sẽ dẫn đến các bé có khả năng tự kiểm soát hơi thở.
Ông chia sẻ thêm: “Khi chúng ta được sinh ra, các mạch xử lí cảm giác cơ thể chưa được phát triển đầy đủ, vì vậy việc thiết lập một mạng lưới như vậy chính là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của trẻ sơ sinh”.
Vì các em bé tham gia nghiên cứu là trẻ sinh non và đủ tháng, từ 30 đến 42 tuần tuổi thai, các nhà khoa học tin rằng sự phát triển này có thể là điển hình của ba tháng cuối thai kì.
Theo các nhà nghiên cứu, những bé còn trong bào thai và trẻ sơ sinh thường có triệu chứng nấc cụt. Hiện tượng này được phát hiện sớm nhất là khi bé được chín tuần tuổi trong bụng mẹ và trẻ sau sinh ba tuần tuổi dành khoảng 15 phút mỗi ngày để nấc.
“Sự co bóp của các cơ bắp của trẻ trong quá trình nấc là khá lớn, việc này rất tốt cho sự phát triển của não bộ bởi vì nó tạo ra một luồng thúc đẩy mạnh mẽ vào não bộ, giúp các tế bào não liên kết với nhau”, Kimberley Whitehead, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ với CNN.
Kimberley cũng nói thêm rằng việc nấc cụt mặc dù tốt cho trẻ nhưng không hề đem lại hiệu quả tương tự với người lớn.