Nội dung bài viết
Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nôn trớ
Trẻ sơ sinh bị nôn trớ khá phổ biến. Có đến ½ trẻ sơ sinh bị trớ thường xuyên. Nôn là tình trạng các chất trong dạ dày bị đẩy ra ngoài qua miệng do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co thắt của các cơ thành bụng. Trớ là di chuyển của chất trào ngược từ dạ dày qua hầu họng lên miệng ra ngoài số lượng ít, do sự co bóp đơn thuần của dạ dày.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay bị nôn trớ có thể là:
Trẻ ọc sữa bệnh lý: Khi trẻ được 1 – 2 tháng tuổi hệ tiêu hoá còn non yếu, các van trong dạ dày chưa hoạt động đồng bộ. Do đó, khi trẻ bú có thể nuốt hơi theo vào dạ dày gây no. Nếu mẹ đặt cho bé nằm nghiêng hoặc bé vặn mình sẽ làm bé bị nôn.
Hiện tượng này sẽ giảm dần khi trẻ được 12 – 18 tháng tuổi khi hệ tiêu hoá của bé được hoàn thiện, ba mẹ không cần phải quá lo lắng, tuy nhiên chúng ta cũng nên quan sát thêm các triệu chứng khác kèm theo vì khi đó nôn trớ có thể là dấu hiệu cảnh báo cho bệnh lý nào đó.
Trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần trong ngày, ọc sữa liên tục dù không bú hoặc bị ói rồi lại bú, bú xong lại ói có thể là do dị tật ở đường tiêu hoá như hẹp thực quản, hẹp tá tràng.
Một số bệnh đường tiêu hóa tắc ruột, lồng ruột hay gặp ở những trẻ sau 3 tháng tuổi, trẻ đột nhiên ói, đang bú bình thường bỗng nhiên khóc thét lên, ưỡn bụng, bụng có thể nổi phồng lên … cần phải xử trí cấp cứu càng sớm càng tốt.
Trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều có sao không? Dù là nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý thì các bậc phụ huynh cũng cần tìm phương pháp để khắc phục nhanh chóng vì sau mỗi lần nôn trớ trẻ sẽ quấy khóc, sợ hãi, chán ăn và lười ăn, lâu dài sẽ dẫn đến sự thiếu hụt chất dinh dưỡng. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn phát triển vàng.
Cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị nôn trớ
Khi thấy bé bị nôn trớ sữa hoặc thức ăn, mẹ cần xử trí nhanh các bước sau:
- Khi bé nôn, mẹ nên đỡ đầu bé dậy để tránh chất nôn tràn vào khí quản gây sặc rất nguy hiểm. Sau khi bé nôn xong, mẹ hãy làm sạch cho bé theo thứ tự miệng trước, họng và mũi sau. Làm sạch xong, mẹ nhớ vỗ nhẹ lưng bé để trấn an vì chắc chắn bé nôn xong sẽ rất sợ hãi.
- Khi trẻ sơ sinh nôn trớ nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng mất nước, mẹ chờ cho bé bớt nôn rồi bổ sung nước cho con bằng sữa hoặc nước đối với em bé trên 6 tháng tuổi. Trường hợp bé tiếp tục trớ, mẹ hãy cho bé uống luân phiên 50ml nước oserol/ 50ml nước lọc sau mỗi nửa giờ. Sau đó, khi bé ngừng nôn trớ, mẹ hãy hay cho bé bú với số lượng tăng dần từ 80 – 100ml sau mỗi 3 – 4 giờ.
- Sau 12 – 24 giờ mà bé không còn nôn, mẹ có thể cho bé ăn uống như bình thường bắt đầu từ những món ăn dễ tiêu hóa như sữa chua, ngũ cốc nhưng vẫn phải đảm bảo cho bé uống nhiều nước.
- Giấc ngủ cũng sẽ giúp bé hồi phục, thoải mái hơn nên mẹ hãy cố gắng dỗ bé ngủ.
- Lưu ý rằng mẹ không nên tự ý cho bé dùng bất cứ loại thuốc chống nôn trớ nào khi không được sự chỉ định của bác sĩ.
Mẹo chữa nôn trớ ở trẻ sơ sinh
Với những ai lần đầu làm mẹ chắc chắn sẽ vô cùng lo lắng khi thấy bé yêu bị nôn trớ, tuy nhiên mẹ đừng quá lo lắng vì hiện tượng nôn trớ hoàn toàn có thể cải thiện được nhờ thay đổi một số thói quen cho con bú.
Cùng tìm hiểu các biện pháp để phòng ngừa trẻ sơ sinh nôn trớ nhiều sau đây:
1. Chia khẩu phần sữa thành nhiều bữa
So với những bé lớn, trẻ sơ sinh có dung tích dạ dày nhỏ hơn nhiều vì vậy thay vì cho bé bú quá nhiều trong 1 lần, mẹ nên cho bé bú nhiều lần hơn, giúp bé tiêu hoá nhanh và dễ dàng hơn.
Các mẹ cũng cần lưu ý với cách này thì mẹ nên vắt bớt sữa đầu để đảm bảo trẻ nhận được cả sữa đầu và sữa cuối đầy đủ dưỡng chất hơn.
2. Cho bú đúng cách
Một trong những nguyên nhân gây hiện tượng nôn trớ ở trẻ sơ sinh là do mẹ cho bú không đúng cách. Nếu trẻ bú mẹ hoặc bú bình không đúng sẽ khiến trẻ phải nuốt một lượng hơi lớn vào trong dạ dày gây ra trào ngược.
Do đó, khi cho bé bú mẹ cần bế trẻ ở tư thế đầu cao, bắt đầu cho bé bú bên trái trước, sau đó mới chuyển sang bầu bú bên phải vì dạ dày bé đã nhiều sữa, bé cần nằm nghiêng trái.
Với trẻ bú bình, mẹ nên giữ cho bình sữa nghiêng 45 độ, sao cho sữa luôn ngập cổ bình. Không để “khí” len lỏi vào dạ dày bé.
3. Vỗ ợ hơi mỗi lần trẻ bú xong
Cho trẻ ợ hơi sau khi bú sẽ giảm đáng kể tình trạng nôn trớ. Cách vỗ ợ hơi cho trẻ như sau: Mẹ đặt một chiếc khăn sạch lên vai, bế vác bé, để đầu bé dựa vào vai mẹ. Một tay mẹ bế bé, một tay mẹ xoa vùng lưng bé theo hình tròn hoặc chụm bàn tay lại vỗ lưng theo hướng từ dưới lên để bé ợ hơi. Thông thường sau 10 – 15 phút vỗ ợ hơi trẻ sẽ phát ra tiếng ợ, dễ chịu và tiếp tục chơi đùa.
4. Cho bé ngủ đúng tư thế
Một tư thế ngủ đúng không chỉ giúp bé ngủ ngon hơn mà cũng có thể cải thiện phần nào nguy cơ bị trào ngược. Mẹ có thể nâng đầu nằm của bé lên cao một góc 30 độ, chính độ nghiêng này sẽ giúp thực phẩm trong dạ dày không trào ngược lên trong lúc bé ngủ.
5. Bổ sung canxi
Nôn trớ đi kèm với triệu chứng vặn mình, khó ngủ mỗi đêm có thể là dấu hiệu cho thấy chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé không có đủ lượng canxi cần thiết. Trong trường hợp này, bổ sung canxi đầy đủ là cách tốt nhất để giúp bé. Mẹ cũng đừng quên bổ sung vitamin D để trẻ hấp thu canxi được một cách tốt nhất.
6. Nói “không” với khói thuốc lá
Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ khiến bé yêu tăng tiết axit trong dạ dày hơn. Vì vậy, mẹ hãy hạn chế tối đa không cho con tiếp xúc với khói thuốc lá độc hại để con không bị nôn trớ cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển, sức khoẻ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Cha mẹ nên nhớ tình trạng trẻ sơ sinh nôn trớ nhiều ở những tháng đầu đời là hoàn toàn bình thường, không đáng lo ngại. Mong rằng những mẹo chữa nôn trớ cho trẻ sơ sinh trên đây sẽ giúp ích cho mẹ trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng bé yêu.