Mướp đắng chứa nhiều thành phần quý
Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua. Vị thuốc khổ qua còn gọi là cẩm lệ chi, lại bồ đào, lương qua, lại qua, hồng dương, mướp đắng.
Tên khoa học: Momordica charantia L.
Thuộc họ: Họ bầu bí Cucurbitaceae.
Cây mướp đắng là cây dây leo bằng tua cuốn. Thân có cạnh. Lá mọc so le, dài 5-10cm, rộng 4-8cm, phiến lá chia làm 5-7 thùy, hình trứng, mép khía răng. Mặt dưới lá màu nhạt hơn mặt trên, gân lá có lông ngắn. Hoa đực và hoa cái mọc riêng ở nách lá, có cuống dài. Cánh hoa màu vàng nhạt. Quả hình thoi, dài 8-15cm, mặt ngoài có nhiều u lồi.
Quả chưa chín có màu vàng xanh, khi chín màu vàng hồng, đỏ. Hạt dẹp, dài 13-15mm, rộng 7-8mm, trông gần giống hạt bí ngô. Quanh hạt có màng đỏ bao quanh (giống như màng hạt gấc). Mướp đắng được trồng khắp nơi trên đất nước ta.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, thành phần hóa học của mướp đắng: Trong quả có charantin, b-Sitosterrol-b-D- glucoside và 5,25-Stigmastadien-3b-D-glucoside, có tinh dầu rất thơm, glucosid, saponin và alcaloid momordicin.
Ngoài ra, còn có các vitamin B1, C, caroten, adenin, betain, các enzym tiêu protein. Hạt chứa dầu và chất đắng.
Tính vị - qui kinh: Vị đắng, lạnh; quy vào kinh tỳ vị tâm can.
Công dụng: Thanh giải thử nhiệt, minh mục, giải độc.
Ứng dụng trong trị bệnh
Mướp đắng tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Dùng cho các trường hợp nhiệt bệnh sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm cấp tính đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc mắt cấp tính (đau mắt đỏ), bệnh đái tháo đường.
+ Tả thực hỏa ở 6 kinh, thanh thử, ích khí, chỉ khát. Trị đơn hỏa độc khí, mụn nhọt kết độc (theo sách Trấn Nam Bản Thảo).
+ Trừ nhiệt, giải phiền (theo Bản Thảo Cầu Chân).
+ Dùng sống mướp đắng thì trừ nhiệt, minh mục, thanh tâm. Nấu chín thì dưỡng huyết, tư can, nhuận tỳ, bổ thận (Tùy Cức Cư Ẩm Thực Phổ).
Mướp đắng dùng sống trị mỡ máu cao.
+ Trị phiền nhiệt, tiêu khát, phong nhiệt làm cho mắt đỏ, trúng thử, hạ lỵ (Tuyền Châu Bản Thảo). Liều dùng: Sắc uống: 8-20g. Hoặc đốt tồn tính, uống.
Trị rôm sẩy: Lá khổ qua tươi, nấu lấy nước tắm, ngày 3-4 lần (Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương). Hoặc mướp đắng cả hạt thái miếng nấu nước tắm giúp điều trị rôm sảy mùa hè trẻ em.
Điều trị mỡ máu cao: Khổ qua 1 quả (100g), lấy khổ qua cho vào xay sinh tố rồi cho ít nước hòa với mật ong hoặc xíu đường, uống sống, ngày 1 lần, có tác dụng trị mỡ máu, uống lâu có tác dụng giảm béo, hạ đường máu.
Mướp đắng là một loại món ăn rất dễ chế biến và thông dụng của người dân Việt Nam như mướp đắng ruốc, nguyên liệu mướp đắng rửa sạch, thái mỏng, cho ngăn đá 30 phút, ruốc thit lợn rắc đều lên bề mặt ăn cùng mướp đắng điều trị đau đầu do thực hỏa, do tăng huyết áp…
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn, ăn khổ qua sẽ bị thổ tả, bụng đau (Trấn Nam Bản Thảo). Do khổ qua tính đắng lạnh nên người bị lạnh không ăn, vì ăn người càng yếu mệt.
Mướp đắng dùng tốt cho trẻ hay chảy máu cam…