Bảo quản thực phẩm là một trong những công đoạn quan trọng quyết định thực phẩm đảm bảo thành phần dinh dưỡng và tươi ngon.
Sau tết, lượng thực phẩm dư thừa rất nhiều, nếu không biết cách bảo quản sẽ dễ trở thành "độc dược", gây hậu quả xấu đến sức khỏe. Dưới đây là những lưu ý trong bảo quản và sử dụng thực phẩm sau Tết.
Bánh chưng, bánh tét
Sau Tết, lượng bánh chưng bánh tét thường bị thừa rất nhiều. Người dân thường loại bỏ phần mốc trên bánh và sử dụng phần còn lại.
Tuy nhiên, dù đã loại bỏ phần nấm mốc, độc tố của chúng vẫn còn nằm sâu bên trong sản phẩm, không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đặc biệt, hàm lượng độc tố aflatoxin sinh ra trên bánh chưng, bánh tét, cơm,... làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư gan và dạ dày.
Do đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe, nên bảo quản bánh chưng, bánh tét trong ngăn mát tủ lạnh. Không nên sử dụng bánh bị mốc để tránh những nguy hiểm đến sức khỏe.
Thực phẩm tươi sống
Thực phẩm tươi sống nếu để bên ngoài và không được ướp muối, gia vị rất dễ bị ươn. Tốt nhất, nên bảo quản chúng trong ngăn đông tủ lạnh để ngăn các vi sinh vật sinh sôi và tấn công.
Thức ăn thừa
Hạn chế dùng thức ăn thừa là một trong những cách bảo vệ sức khỏe. Nguyên nhân là thức ăn thừa hâm đi hâm lại nhiều lần dễ sinh ra vi khuẩn gây ra các bệnh đường ruột, dẫn đến tiêu chảy, kiết lị,...
Trong trường hợp sử dụng thức ăn thừa, bạn nên hâm nóng kỹ và sử dụng hết càng sớm càng tốt để đảm bảo dinh dưỡng và hạn chế các bệnh đường tiêu hóa, ung thư.
Rau, củ, quả
Việc bảo quản rau củ quả không đúng cách có thể gây nấm mốc, sinh ra độc tố gây hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Đối với các loại rau củ quả, bạn nên bảo quản đúng điều kiện nhiệt độ thích hợp để chúng không bị úng, sinh vật gây bệnh tấn công, gây ngộ độc thực phẩm.
Bảo quản cà chua,chú ý để nơi thoáng mát thay vì bảo quản trong tủ lạnh; với chanh, để sử dụng lâu, nên bảo quản trong ngăn đá; với dưa leo và các loại rau, nên bọc kín và để trong ngăn mát,...