Mít là trái cây được yêu thích bởi hương thơm ngào ngạt và vị ngọt lừ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chọn những miếng mít ngon để có món trái cây vừa thơm ngon, vừa chất lượng.
Những mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp bạn chọn được mít thơm ngon, nhiều múi, không bị ngâm hóa chất.
Dinh dưỡng từ quả mít
Mít là loại trái cây giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra, mít dồi dào các dưỡng chất ignans, isoflavones, saponins giúp ngăn ngừa, phòng ung thư và bảo vệ cơ thể khỏi sự lão hóa.
Loại quả này chứa nhiều chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng. Đồng thời, mít cũng chứa các chất chống lại viêm loét và rối loạn tiêu hóa.
Mít giàu vitamin A, giúp tăng cường thị giác, ngăn ngừa các bệnh về mắt và da.
Ngoài ra, quả mít còn dồi dào chất sắt, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, tốt cho người ăn kiêng.
Các loại đường như fructose và sucrose có trong loại quả này giúp cơ thể bổ sung năng lượng nhanh chóng.
Quả mít còn chứa nhiều kali và magie; hai chất này tốt cho tim mạch, giúp làm hạ huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ và kết hợp với canxi giúp xương chắc khỏe.
Cách chọn mít thơm ngon không ngâm hóa chất
Phân loại mít
Mít có nhiều loại và tùy theo sở thích ăn uống mà chọn loại phù hợp.
Mít dai: múi dày, màu vàng nhạt và vị ngọt gắt và giòn.
Mít ướt (hay còn gọi là mít mật): có màu vàng tươi, múi mít mềm, ăn hơi nhão và vị ngọt đậm.
Mít tố nữ: quả thường nhỏ hơn mít ướt và mít dai, múi mít mềm và có màu vàng đậm. Múi mít tố nữ bám vào cuống như chùm nho.
Mít Thái: quả mít thuôn ngắn, múi mít có màu vàng đậm, ăn giòn và vị ngọt nhạt.
Mít nghệ Việt Nam: quả mít thuôn dài, ăn có vị ngọt thanh và giòn.
Cuống mít
Dựa vào cuống mít có thể biết được mít già hay non. Nếu bấm vào cuống mít mà chảy ra mủ trắng và nhanh chóng cô đặc lại thì quả này còn non; nếu mủ chảy ra thành dòng thì mít đã già có thể cắt để chín tự nhiên.
Hình dáng
Để chọn được trái mít ngon, trước tiên cần nhìn vào hình dáng bên ngoài. Đừng chọn quả mít có nhiều eo, nhiều chỗ lõm vì dễ bị ít múi, sâu và nhiều xơ.
Gai mít
Những quả mít có gai nở to, khoảng cách giữa các gai mít cách xa nhau, gai không nhọn và mềm thì đó là quả đã già, chín tự nhiên. Hơn nữa, đây còn là những quả mít có nhiều múi, ngọt.
Còn quả có gai nhọn, cứng, dày chi chít thì con non và có thể bị chín ép.
Âm thanh
Khi mua mít, nên nhấc quả mít lên, nếu thấy mít nặng trái, chắc tay thì vỗ nhẹ hoặc búng vào vỏ; nếu thấy phát ra tiếng kêu bịch bịch thì đó là mít ngon. Nếu mít nhẹ tay thì đừng mua vì sẽ có nhiều xơ.
Mủ của quả mít
Dựa vào mủ có thể biết được mít chín tự nhiên hay do ngâm thuốc. Khi bổ quả ra, nếu thấy ít mủ hoặc mủ hơi trong thì đó là mít chín cây.
Nếu thấy có những dòng mủ trắng đục chảy ra thì đây là quả chín do tác động của hóa chất.
Màu sắc
Mít chín cây sẽ có múi mít dày, màu vàng óng, vị ngọt đậm.
Đặc biệt, lưu ý xơ mít sẽ biết được mít bị chín ép hay chín tự nhiên. Nếu xơ mít to, vàng óng và ăn có vị ngọt thì đó là chín tự nhiên. Nếu xơ mít nhỏ, trắng bệch, ăn không thấy ngọt thì đó là mít chín ép.
Khi ăn mít chín ép sẽ thấy không ngọt, nhiều múi bị sượng.
Mùi thơm
Mít là loại quả có mùi thơm nức dễ nhận biết. Nếu quả mít có mùi thơm nức đặc trưng và từ xa có thể thấy được mùi thơm lan tỏa thì đó là mít chín tự nhiên. Ngược lại, mít chín ép thì ít thơm.
Độ mềm của vỏ
Khi mua mít, nhấn tay vào vỏ, thấy gai mềm thì đó là mít đã chín, còn gai cứng, nhọn là mít xanh.
Nếu bạn vẫn chưa chắc vào "tay nghề" chọn mít, hãy mua mít đã cắt sẵn thành từng miếng. Nên chọn miếng mít có múi màu vàng ươm, xơ mít cũng vàng nhẹ và có vị ngọt. Đừng quên chọn miếng có gai nở to.
Mẹo bổ mít không bị dính nhựa lên tay và dao
Mít là loại quả có nhiều mủ nên để "giải quyết" mủ dính lên tay và dao khi bổ thì "bỏ túi" những mẹo sau:
Đeo găng tay để mủ mít không dính vào tay. Nếu không có găng tay, xoa một lớp dầu ăn bên ngoài lòng bàn tay rồi bổ mít.
Sau khi bổ, nếu tay bị dính mủ thì đưa tay vào thùng gạo, bóp nhẹ nhẹ để cám gạo thấm vào mủ, sau đó chà hai tay cho mủ tróc ra rồi rửa lại bằng nước ấm.
Để làm sạch dao dính đầy nhựa mít, hãy cho dao vào ngăn đá tủ lạnh cho nhựa mít cứng lại, khi đó gỡ nhựa sẽ dễ dàng.
Có thể dùng bịch ni lông nhúng vào nước và dầu ăn để lau sạch nhựa trên dao.