Theo Đông y, cây hẹ là vị thuốc, loại dược liệu có khả năng điều trị nhiều chứng bệnh khác như đau nhức lưng, cảm mạo, táo bón, nhiễm trùng ngoài da, nhiễm giun.
Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội cho hay, hẹ có nhiều tên gọi khác nhau như khởi dương thảo, cửu thái tử, cửu thái. Cây có tên khoa học là Allium ramosum L. thuộc họ hành.
Hẹ là loại cây dễ trồng, hiện cây còn được trồng làm cảnh. Cây sinh trưởng tốt ở những vùng khí hậu nóng ẩm. Hẹ được trồng nhiều để thu hoạch làm thuốc, chế biến món ăn.
Trong y học cổ truyền, hẹ vị cay và ngọt, tính ấm, không độc. Quy kinh vào can, vị, thận. Hẹ được dùng để giải độc, giảm đau, bổ thận, tráng dương, chữa mộng tinh, di tinh, làm lành vết thương, trị táo bón, cảm mạo.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) cho biết, hẹ là một trong những vị thuốc tốt cho gan. Kiên trì ăn hẹ sẽ “sạch” mỡ trong gan.
Dùng hẹ làm thuốc chữa gan nhiễm mỡ như sau: Hải đới 100g ngâm nước cho nở, cắt sợi; Lá hẹ 200g cắt đoạn dài thêm tỏi giã nhuyễn, dấm, dầu vừng, tương và một ít đường trộn đều. Món ăn này dùng ăn hàng ngày duy trì trong một tháng giảm tình trạng mỡ trong gan.
Nghiên cứu khoa học còn chỉ ra trong hẹ chứa allicin ngăn quá trình sản sinh cholesterol (mỡ xấu trong cơ thể). Thường xuyên ăn hẹ là cách lành tính giúp sạch máu.
Trong y học cổ truyền hẹ còn được dùng để bảo vệ dạ dày. Người viêm loét dạ dày thể hàn, đau vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn do lạnh có thể dùng lá hẹ 250g, gừng tươi 25g. Tất cả giã nát, lọc lấy nước đổ vào nồi cùng với 250 g sữa bò. Đun nhỏ lửa cho đến khi sôi, uống nóng.
Theo bác sĩ Vũ, người mắc trĩ bị sưng đau dùng lá hẹ xông hậu môn giúp giảm đau. Trường hợp trĩ sa ra ngoài (lòi dom) dùng lá hẹ giã nhỏ trộn dấm, đảo nóng có thể dùng 2 miếng vải sô sạch gói hẹ để chườm và chấm hậu môn.
Hẹ còn được mệnh danh là cây bổ thận tráng dương. Một trong những bài thuốc nổi tiếng được nhiều người biết đến là rượu hồi xuân hay cung đình hồi xuân tửu. Theo bài thuốc này hạt hẹ được ngâm cùng cây kỷ tử, ba kích, hồng sâm, lộc nhung, đường phèn, rượu trắng. Ngâm nửa tháng có thể dùng dần.
Hẹ còn được dùng điều trị chứng liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm. Dùng 0,5kg rau hẹ tươi giã lấy nước, uống ngày 2 lần trong một tuần.
Không chỉ tốt cho nam giới mà hẹ còn tốt cho nữ giới. Phụ nữ bị đau lưng, gối, tiểu tiện nhiều, nữ giới bị khí hư, lãnh cảm dùng hẹ nấu ăn giúp giảm triệu chứng.
Một số bài thuốc hay từ cây hẹ:
- Chữa rôm sẩy: Rễ hẹ 60g sắc nước uống.
- Chữa cảm mạo, ho do lạnh: Hẹ 250 g, gừng tươi 25 g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn cả cái và uống nước.
- Chữa táo bón: Hạt hẹ rang vàng, giã nhỏ. Mỗi lần uống 5 g. Hòa nước sôi uống ngày 3 lần.
- Chữa đau răng: Hẹ (cả rễ) giã nhuyễn, đặt vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi.
- Chữa hen suyễn: Lá hẹ một nắm giã nát, lấy nước uống hay sắc lên để uống.
- Chữa ghẻ: Lá hẹ 50 g, rau cần 30 g, giã nát đắp lên chỗ tổn thương. Ngày 2 lần.
- Trị giun kim: Rễ hẹ giã lấy nước cho uống.
- Chữa đi tiểu nhiều lần: Lá hẹ, Cây tơ hồng xanh, Ngũ vị tử, Phúc bồn tử, Câu kỷ tử, Nữ trinh tử. lượng bằng nhau. Phơi khô tán bột, mỗi lần uống 6 g. Ngày uống 2 lần với nước ấm.