Ngày 16/3, thông qua công tác soi chiếu hàng hóa thường nhật, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện lô hàng hóa khoảng 60 kg trong vali của 4 nữ tiếp viên hàng không có nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trong 4 vali, ngoài các vật dụng cá nhân, có tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng (chưa mở nắp, nhiều nhãn hiệu khác nhau, mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ) và 17 chai nước súc miệng.
Đáng chú ý, bên trong các tuýp kem đánh răng nêu trên, phát hiện có 157 tuýp chứa tổng cộng 11.284,57 gram ma túy các loại Ketamine và MDMA.
Đến ngày 22/3, Cơ quan CSĐT, Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vận chuyển trái phép chất ma túy", đồng thời trả tự do cho các tiếp viên hàng không sau thời gian tạm giữ điều tra, vì không đủ căn cứ chứng minh 4 người này có tội.
Tê liệt bộ não, rối loạn nhân cách,… vì ma túy
Bác sĩ Lê Duy, chuyên khoa Tâm thần, hiện làm việc tại một bệnh viện ở TPHCM cho biết, ketamine và MDMA đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu, với nhiều tên gọi "lóng" khác nhau như Ke, super K, vitamin K, thuốc lắc… Tuy không mới, nhưng cả hai đều được xếp vào dạng ma túy hạng nặng.
Trong đó, ketamine (Ke) nằm trong nhóm thuốc loại III, được cấp phép dùng như một chất gây mê trong y tế. Từ những năm 1970, Ke được FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận để kê đơn gây mê, giúp bệnh nhân khi phẫu thuật chìm vào giấc ngủ, tránh sự khó chịu, đau đớn. Bên cạnh đó, ketamine còn được ứng dụng để làm suy giảm những cơn đau mạn tính.
Tuy vậy, ketamine vẫn là một dạng ma túy tổng hợp. Vì có công dụng an thần và tạo ảo giác, nên thường bị lạm dụng cho những lý do xấu.
Bác sĩ Duy phân tích, nếu không sử dụng đúng cách, Ke sẽ làm con người nhanh chóng mất đi ý thức, bộ não tê liệt. Nhiều dân chơi thường sử dụng ma túy này dưới dạng bột tinh trắng. Ngoài ra, Ke cũng được chế xuất dưới dạng viên nén, hòa tan trong nước hoặc rượu để uống.
Khi bị quá liều ketamine, người dùng thường gặp các triệu chứng như nôn ói, huyết áp tăng, sốt, nhịp tim tăng, xuất hiện ảo giác, thị lực giảm, nói chậm, lo lắng, rối loạn nhân cách, có hành động bạo lực. Nặng hơn, ma túy Ketamine sẽ làm cho người dùng hôn mê, cứng cơ, co thắt thanh quản, co giật... và hậu quả cuối cùng là tử vong.
Thử một lần, hỏng một đời
MDMA (MethyleneDioxyl-MethamphetAmine) thường gọi là thuốc lắc, loại này thường được dùng cho mục đích giải trí, bởi tác dụng tăng cảm nhận giác quan, cảm giác dễ chịu, tăng năng lượng, sự đồng cảm, thường bắt đầu sau 30-45 phút uống và kéo dài trong 3-6 giờ. Ngoài ra, nhiều trường hợp còn dùng MDMA qua đường tiêm.
Tuy nhiên, MDMA gây ra các vấn đề về trí nhớ, hoang tưởng, khó ngủ, nghiến răng, mờ mắt, đổ mồ hôi và nhịp tim nhanh…
Bác sĩ Lê Duy phân tích thêm, người sử dụng ketamine và MDMA thường được gia đình đưa đi cấp cứu vì loạn thần, hơn là tự chủ động đến kiểm tra sức khỏe ở các bệnh viện, phòng khám tâm lý, tâm thần. Bởi vì hai loại ma túy trên tạo ra sự hấp dẫn, cảm giác phê pha, ái lực lớn và đặc biệt là tính gây nghiện, nên người dùng sẽ không muốn từ bỏ. Ngoài ra, ý thức không đầy đủ về tác hại, hậu quả của các chất này cũng là nguyên nhân khiến nạn nhân ngại tìm sự hỗ trợ.
Chuyên gia về tâm thần nhấn mạnh "không thử dù chỉ một lần" vì ketamine, MDMA và các loại ma túy nói chung có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Trong trường hợp, không may đã sử dụng, phải dừng lại ngay và tìm kiếm sự giúp đỡ từ y tế, gia đình, các tổ chức xã hội để có phương án tốt nhất.