Không phải tất cả hàng xách tay đều là hàng hóa nhập lậu
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, nếu hiểu một cách đơn giản thì hàng xách tay là hành lý ký gửi hoặc hành lý mang theo người của công dân khi nhập cảnh vào Việt Nam. Mọi người thường hiểu đơn giản: Hàng xách tay là quà tặng, là hàng tiêu dùng mà người ta mua ở nước ngoài rồi mang vào trong nước để sử dụng... Còn hàng lậu là hàng nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Tuy nhiên, đó là cách hiểu đơn giản, thông thường nhưng không phải mọi trường hợp đều như vậy.
Dưới góc độ pháp lý thì dù là “hàng xách tay” đúng nghĩa, là người Việt Nam mua ở nước ngoài khi ra nước ngoài học tập, làm việc, công tác, du lịch để sử dụng cho mục đích cá nhân nhưng khi mang về Việt Nam không khai báo hải quan (đối với hàng hóa quy định phải khai báo) hoặc phải có tem nhập khẩu hoặc thuộc loại hàng hóa cấm nhập khẩu thì đó cũng được xác định là hàng lậu...
Theo quy định quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì không phải tất cả hàng xách tay đều là hàng hóa nhập lậu. Hàng xách tay không phải hàng nhập lậu khi đảm bảo các điều kiện như sau: Có hóa đơn chứng từ kèm theo rõ ràng; Không nằm trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; Hàng hóa có giấy phép nhập khẩu (đối với hàng nhập khẩu theo giấy phép); Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu đúng quy định; Hàng hóa có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định pháp luật...
Như vậy, để xác định những hàng hóa được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam để sử dụng theo diện mang theo người hay còn gọi là “hàng hóa xách tay”, hợp pháp, được phép tiêu dùng, tặng cho cần phải thuộc những trường hợp trên.
Cũng cần lưu ý là pháp luật Việt Nam quy định lượng hàng hóa mang theo người, giá trị hoàn hóa mang theo người khi nhập cảnh vào Việt Nam, bởi vậy không phải người nhập cảnh vào Việt Nam muốn mang bao nhiêu hàng hóa cũng được, nó sẽ phụ thuộc vào khối lượng, giá trị và bản chất pháp lý của từng loại hàng hóa.
Trong nhiều trường hợp, hàng hóa xách tay hợp pháp vẫn phải khai báo hải quan. Việc khai báo hải quan với hàng hoá xách tay sẽ được thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP về thủ tục đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh như sau: Người xuất cảnh, nhập cảnh không phải khai hải quan nếu không có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, không có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi. Người xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi khai hải quan, người khai hải quan không gộp chung định mức miễn thuế của nhiều người nhập cảnh để khai báo miễn thuế cho một người nhập cảnh, trừ hành lý của các cá nhân trong một gia đình mang theo trong cùng chuyến đi. Việc khai báo định mức miễn thuế tính theo từng lần nhập cảnh.
Theo đó, người nhập cảnh không phải khai hải quan nếu không có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, không có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi.
Về mức miễn thuế theo Điều 6 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định về miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh như sau : Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít; Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu; Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi; Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản này (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10 triệu đồng Việt Nam.
"Như vậy, nếu không thuộc trường hợp vượt định mức hành lý miễn thuế thì phải khai hải quan nếu không sẽ bị xem là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật" - luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.
“Hàng nhập lậu” là hàng hóa vi phạm pháp luật
Theo luật sư Đặng Văn Cường, ngoài khái niệm về hàng hóa xách tay thì còn một khái niệm nữa mà người ta thường xuyên sử dụng là “hàng nhập lậu”, đây là loại hàng hóa vi phạm pháp luật, loại hàng không được phép nhập khẩu vào Việt Nam hoặc nhập khẩu không đúng thủ tục, trốn thuế. Những loại hàng hóa này được trà trộn vào hàng xách tay, vận chuyển trái phép qua biên giới để mang vào Việt Nam mua bán, sử dụng.
Cụ thể theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hàng hóa nhập lậu bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu; Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.
Như vậy, đối với các loại hàng hóa mà pháp luật quy định không được phép nhập khẩu vào Việt Nam, hoặc các loại hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam nhưng phải tuân thủ quy định về khai báo hải quan, dán tem nhập khẩu... hoặc quy định hạn chế về số lượng mà các cá nhân, tổ chức không tuân thủ vẫn cố ý mang về Việt Nam thì đây được xác định là hàng nhập lậu, người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tùy thuộc vào hành vi cụ thể.
Đối với loại hàng xách tay được phép mang theo người về Việt Nam qua các cửa hàng không, tuân thủ quy định của pháp luật về hàng xách tay thì đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của người mang theo. Người này có quyền bán, đổi, tặng cho bất kỳ ai mà không bị hạn chế bởi quy định của pháp luật.
Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền sở hữu tài sản của mọi tổ chức, cá nhân. Việc tạo lập quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu dựa trên căn cứ quy định của bộ luật dân sự. Việc vận chuyển hàng hóa tiền tệ, qua biên giới thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, về quản lý hàng hóa, về ngoại thương... Bởi vậy, chỉ có những loại hàng hóa nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc xuất xứ, thuộc trường hợp khai báo hải quan nhưng không khai báo hoặc là những hàng hóa mang quá số lượng cho phép về Việt Nam... thì mới là hàng vi phạm pháp luật, không được phép bán, đổi, tặng cho và thực hiện các giao dịch khác.
Hành vi của các tiếp viên vi phạm quy định ngành hàng không
Liên quan vụ việc các tiếp viên hàng không xách tay ma tuý, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, nếu kết luận của cơ quan chức năng cho thấy số hàng hóa mà các nữ tiếp viên này vận chuyển vào Việt Nam là không được phép do không khai báo hải quan, quá số lượng, trọng lượng, giá trị mà pháp luật quy định thì hành vi này là vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Nếu loại hàng hóa được xác định là vận chuyển trái phép có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính thì những người này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, có thể các nữ tiếp viên này không bị xử lý hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy nhưng vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nếu như giá trị số hàng hóa này từ 100 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm.
Nếu trường hợp giá trị hàng hóa chưa đủ để xử lý hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt có thể đến 75 triệu đồng theo quy định tại tại Điều 12 Nghị định 96/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 37/2022/NĐ-CP).
Ngoài ra, hành vi của các nữ tiếp viên này là vi phạm quy định của ngành hàng không nên sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, có thể mức cao nhất là buộc thôi việc. Hành vi này rõ ràng ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng không, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho bản thân và xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của những người này, làm rõ những hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.