Theo tìm hiểu, các hãng bay quy định tiếp viên và phi công không được phép mua hàng có tính chất buôn bán, trao đổi, và hàng hóa mua phải có hóa đơn.
Bên trong vali tiếp viên có gì?
Lãnh đạo đoàn tiếp viên của một hãng bay cho biết trong quy định phi hành đoàn, gồm tiếp viên và phi công, đều được giám sát về hành lý, hạn chế thấp nhất việc vận chuyển, mua hàng hóa sai quy định.
Theo đó, trong vali xách tay của họ sẽ bao gồm túi mỹ phẩm, bộ vệ sinh cá nhân, thường phục, đồng phục dự phòng.
Bay ở chặng ngắn vali 7kg, còn bay đường dài như châu Âu, Úc có thời gian lưu trú dài ngày thì gồm một vali 7kg và một vali ký gửi 20 - 27kg (tùy mùa).
Nếu hàng hóa tiếp viên xách về trong định lượng cho phép và có đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra.
Ngoài ra, việc mang tiền cũng được giảm sát chặt chẽ nhằm tránh trường hợp rửa tiền ra nước ngoài. Hãng quy định chỉ cho phép mang tối đa 500 USD tiền mặt, còn thẻ tín dụng không có quy định cụ thể.
Theo quy chế nội bộ, 100% phi công và tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu, không tiếp tay cho buôn lậu, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Kiếm thêm từ hàng xách tay
Cơ phó của một hãng bay cho biết trong một chuyến bay quốc tế tổ bay thường kiếm "chút đỉnh" từ việc mua hàng xách tay để bán lại ăn chênh lệch. Vali tiếp viên, tổ bay thường là các vật dụng cá nhân đơn giản, khoảng trống còn lại sẽ mua thêm một ít đồ để bán lại.
Tiếp viên H.V.T. - chuyên bay Hàn Quốc - cho biết thường mua sâm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm tại các cửa hàng có hóa đơn chứng từ.
Hàng miễn thuế (duty free) ở sân bay, theo T., là rất khó mua vì đoàn tiếp viên đã ra quy định cấm.
Thông thường chênh lệch giữa giá gốc với hàng bán lại trong nước khoảng 25 - 50%, tùy sản phẩm.
Còn tiền công nhận vận chuyển cũng khá cao. Cụ thể: bánh kẹo, thực phẩm là 210.000 đồng/kg; quần áo, giày dép 240.000 đồng/kg; mỹ phẩm, dưỡng da 250.000 đồng/kg. Các loại đồ dùng gia dụng, điện thoại, laptop... từ 500.000 đồng - 1,5 triệu đồng/sản phẩm.
Theo T., mỗi chuyến có thể kiếm thêm thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng. "Lương tiếp viên 20 triệu/tháng, nhưng nếu kiếm thêm bằng buôn bán vặt thì khoảng 10 triệu chứ không được nhiều như mọi người tưởng" - T. tiết lộ.
Xách tay hàng hóa cũng vi phạm
Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), về nguyên tắc, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra. Do đó, khi cơ quan điều tra chưa có đủ cơ sở cho rằng bốn tiếp viên này biết là ma túy nhưng vẫn nhận vận chuyển thì chưa đủ cơ sở để khởi tố bị can.
Tuy nhiên, về mặt hành chính, bốn tiếp viên này đã vi phạm vì theo quy định của đoàn tiếp viên thì tiếp viên chỉ được mang theo tư trang, vật dụng cá nhân chứ không được mang giúp người khác, chưa kể ở đây còn mang giúp để nhận thù lao.
Theo luật sư Đức, trong trường hợp bốn tiếp viên nhận thức số hàng hóa này là kem đánh răng thì cơ quan chức năng cũng cần xem xét giá trị hàng hóa mà các tiếp viên này mang qua biên giới có cấu thành tội buôn lậu hay vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hay không.
Nếu giá trị hàng hóa dưới mức quy định của Bộ luật hình sự thì cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính theo nghị định 96/2020, được sửa đổi bổ sung theo nghị định 37/2022.
Bên cạnh đó, tùy theo quy định của đoàn tiếp viên hàng không và quy định của Hãng Vietnam Airlines mà các tiếp viên này sẽ bị xử lý kỷ luật.
Cấm hành nghề 4 tiếp viên xách ma túy?
Theo Cục Hàng không Việt Nam, chiếu theo thông tư 46 của Bộ GTVT về kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không, bốn tiếp viên trên sẽ không được làm việc tại bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng do "hành vi lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép người, tài sản, hàng hóa".
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 23-3, Vietnam Airlines cho biết hiện tại các tiếp viên trên vẫn đang bị đình chỉ công việc, các hình thức kỷ luật đang được xem xét.