Từ nhiều năm, béo phì là gánh nặng với toàn cầu. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, người thừa cân, béo phì càng dễ bị tấn công. Nhiều chuyên gia không ngừng giải mã về các loại chất béo trong cơ thể nhằm đưa ra những phương pháp giúp tiêu hao chất béo dư thừa, giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em và người lớn trên toàn cầu.
Chất béo nâu ít hoạt động ở bé trai béo phì
Theo Science Daily, đây là kết quả mà nhóm chuyên gia tại Đại học McMaster, Canada, mới phát hiện gần đây. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Diabetes ngày 16/3.
Theo tác giả cấp cao của nghiên cứu, GS Katherine Morrison, Đại học McMaster, cơ thể dự trữ hai loại chất béo chính là trắng và nâu. Trong đó, chất béo trắng chiếm đa số, nằm ở eo, hông, đùi và dữ trữ năng lượng, giải phóng axit béo khi cần nhiên liệu. Ăn quá nhiều kèm theo không vận động trong thời gian dài khiến chất béo trắng tích tụ, các vùng tích mỡ to dần và hậu quả là chúng ta mắc bệnh béo phì.
Ngược lại, chất béo nâu giúp cơ thể đốt cháy chất béo thường xuyên. Nó truyền năng lượng từ thức ăn thành nhiệt năng. Chất béo nâu khi được kích hoạt hoàn toàn sẽ giúp đốt cháy 20% lượng thức ăn chúng ta nạp vào, ngăn ngừa béo phì do ăn uống. Tuy nhiên, mỗi người chỉ mang lượng chất béo nâu rất nhỏ (khoảng 50 g) và nó không thay đổi.
Ở người lớn, hoạt động của chất béo nâu do lạnh thấp hơn liên quan béo phì và rối loạn chức năng trao đổi chất. Mối quan hệ này ở trẻ em vẫn chưa chắc chắn. Do đó, các chuyên gia tại Canada đã nghiên cứu và kết luận cơ chế tương tự giữa người lớn và trẻ em.
Nhóm chuyên gia quét MRI để đo hoạt động của chất béo nâu ở 26 bé trai 8-10 tuổi. Trong đó, 13 bé trai có chỉ số BMI bình thường. Họ đo mô mỡ nâu ở cổ trước và sau một giờ tiếp xúc bộ đồ lạnh 18 độ C. Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới nhằm xác định điều này.
Kết quả cho thấy mô mỡ nâu hay chất béo nâu (BAT) ít hoạt động hơn ở các bé trai bị béo phì so với những trẻ có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường.
Theo GS Morrison, nghiên cứu của họ giúp hiểu rõ hơn về chất béo nâu và cách chúng ta có thể bắt chước, kích thích tác động của nó, từ đó mang tới hy vọng cho những liệu pháp mới điều trị bệnh béo phì.
"Ngoài việc giúp các gia đình cải thiện chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể chất và giấc ngủ, chúng tôi có một số phương pháp điều trị hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh béo phì. Một số loại thuốc mới làm giảm cảm giác thèm ăn ở thanh thiếu niên. Việc xem xét hoạt động của chất béo nâu mang lại hy vọng phát triển hàng loạt thuốc mới giúp tăng năng lượng bạn đốt cháy”, bà nói thêm.
Tuy nhiên, GS Morrison vẫn chưa biết liệu chất béo nâu ít hoạt động có gây ra béo phì nhiều hơn không hay nó chỉ làm giảm khả năng đốt cháy năng lượng. Ở trẻ sơ sinh, lượng chất béo nâu lớn nhất, nhưng sau đó nó giảm dần và đến khi trưởng thành chỉ còn xuất hiện ở vùng cổ. Hiện tại, họ vẫn chưa rõ lý do làm giảm nồng độ chất béo nâu ở trẻ em.
Hy vọng vào “chất béo màu be” tự chuyển hóa mỡ
Theo Ủy ban châu Âu, cách đây hai năm, các nhà khoa học đã tiến gần hơn tới cách biến tế bào mỡ trắng dự trữ năng lượng trong cơ thể thành những tế bào mỡ màu nâu đốt cháy năng lượng. Phát hiện này mở ra hy vọng ngày nào đó chúng ta có thể điều khiển chất béo tích tụ, ngăn bệnh béo phì và những tình trạng sức khỏe liên quan.
Giáo sư Mirko Trajkovski, Phòng thí nghiệm Sức khỏe trao đổi chất, Đại học Geneva, Thụy Sỹ, đặt niềm tin: “Bằng cách điều khiển cơ thể dự trữ chất béo, chúng ta có thể đạt được tiến bộ lớn trong cuộc chiến chống béo phì, kháng insulin và bệnh tiểu đường type II”.
Trong nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia Thụy Sỹ, họ phát hiện chất béo thứ 3 mang tên chất béo màu be. Chúng sống trong mô mỡ trắng nhưng hoạt động gần giống chất béo nâu, đốt cháy calo để tạo ra nhiệt. Điều làm cho chất béo màu be trở nên đặc biệt bởi tính dẻo dai của nó, giúp “hóa nâu” những tế bào mỡ trắng.
Nghiên cứu cho thấy tập thể dục, phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, tiếp xúc lâu với cái lạnh đều kích thích sản xuất chất béo màu be, có nghĩa là giúp cơ thể đốt cháy năng lượng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu so sánh nghiên cứu này với kết quả của nhóm chuyên gia Canada ở trên, hai phát hiện này khá mâu thuẫn với trẻ em.
GS Trajkovski và cộng sự đang nghiên cứu chuỗi các sự kiện mà tế bào mỡ trắng chuyển thành mỡ màu be. Họ thực hiện thí nghiệm trên chuột và nhận thấy hạn chế lượng calo chúng ăn vào sẽ giúp cân bằng năng lượng tiêu cực trong cơ thể, từ đó giúp tế bào trắng chuyển sang màu nâu nhanh hơn, giảm viêm.
Trong một bài báo năm 2019, ông cũng chỉ ra hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột của con người cũng tham gia vào quá trình này. Khi chuột ăn ít hơn hoặc tiếp xúc với lạnh, thành phần hệ vi sinh vật thay đổi rõ rệt, từ đó tăng cường hệ thống miễn dịch bẩm sinh, cải thiện độ nhạy cảm của cơ thể với insulin (ngăn ngừa bệnh tiểu đường type II) và thúc đẩy quá trình hóa nâu của chất béo. Về mặt cơ học, phản ứng tích cực này là do vi khuẩn hạn chế calo sản xuất ít phân tử Lipopolysaccharides (LPS).
Những phát hiện này khiến các nhà khoa học đặt niềm tin vào những loại thuốc chống béo phì mới dựa trên hệ vi khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, thách thức của họ vẫn là kiến thức về chất béo màu be vẫn rất ít ỏi. Và ngay cả khi có thuốc, chúng ta vẫn sẽ đối mặt hàng loạt tác dụng phụ đi kèm.
Do đó, vị chuyên gia nhấn mạnh chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, vừa đủ và tích cực tập thể dục là cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc bệnh béo phì, tiểu đường type II.