Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết một loại hạt rất quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình giúp "khoá" được mỡ máu là mè.
Mè có tên khác là vừng, tên khoa học là Sesamum indicum DC. Hạt mè được dùng làm thuốc, có 2 loại là màu đen và màu trắng ngà. Cây mè có dáng nhỏ dạng bụi, cao 1.5-2 m, thân nhẵn, ít phân nhánh, các nhánh non có nhiều lỗ bì lồi.
Với hương thơm đặc trưng cùng mùi vị bùi béo, mè là một trong những loại hạt quen thuộc được sử dụng từ lâu trong ẩm thực Việt Nam. Ngoài ra, mè được dùng để ép dầu. Dầu mè có giá trị dinh dưỡng cao.
Theo Đông y, mè có vị ngọt, giúp bồi bổ trong trường hợp suy nhược cơ thể, râu tóc bạc sớm, da xanh thiếu máu, đau đầu hoa mắt chóng mặt, ù tai, điếc tai, tăng huyết áp, ít sữa, táo bón, huyết niệu, trĩ, kiết lỵ….
Hạt mè chứa khoảng 40-60% dầu, 22% chất đạm, ngoài ra còn có đồng, canxi oxalat, protid, lipid, glucid, xơ, vitamin B1, B2, PP, E, các chất khoáng như canxi, phốt pho, kali... Dầu mè chứa nhiều calo, chất béo no không bão hòa, axit béo omega-3 và omega-6, canxi... do đó có lợi cho tim mạch, tăng tuổi thọ.
Các loại dầu tự nhiên của hạt mè giúp giảm bệnh cao huyết áp, giảm sự căng thẳng trên hệ thống tim mạch và giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch khác nhau. Ngoài ra, hạt mè cũng rất giàu magiê, làm giảm và ổn định huyết áp, ngăn chặn những cơn đau tim, đột quỵ, magnesium được biết đến như một loại thuốc giãn mạch hiệu quả.
Đồng thời, hạt mè chứa sesamolin và sesamin, 2 chất lignan giúp duy trì huyết áp và mức cholesterol. Chúng còn giúp cải thiện bảng điều chỉnh lipid, tức một loạt xét nghiệm để đánh giá nồng độ cholesterol toàn phần.
Những người bị cholesterol cao có nguy cơ bị xơ vữa mạch máu, tuổi thọ ngắn nên dùng món cháo mè nấu với khoai mỡ. Món ăn này có tác dụng “khóa” cholesterol không cho nó hoạt động, buộc nó theo chất thải ra ngoài. Riêng mè đen kích thích gan tiết mật, giảm cholesterol.